Triều Khúc vẫn lo ô nhiễm

Có cụm công nghiệp, Triều Khúc vẫn lo ô nhiễm

Dù đã có cụm công nghiệp Tân Triều nhưng nỗi lo ô nhiễm môi trường vẫn đè nặng trên vai các hộ sản xuất và những người quản lý.
Từ vài năm nay, làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà  Nội) đã trở thành “điểm nóng” ô nhiễm môi trường với hàng trăm hộ tái chế, kinh doanh phế liệu tại nhà.

Thành phố Hà Nội đã triển khai dự án cụm công nghiệp rộng 10ha để quy hoạch các cơ sở sản xuất nhằm cải thiện môi trường. Tuy nhiên, dự án này chẳng những không cải thiện được tình hình mà còn gây bức xúc cho các hộ dân làng nghề.

Mới đáp ứng được 13% nhu cầu

Cả làng Triều Khúc có đến gần 600 hộ dân làm các nghề như dệt thổ cẩm, làm chổi lông gà, thêu... trong đó, hộ dân làm nghề thu mua và tái chế phế liệu chiếm hơn 50%. Theo thống kê của xã Tân Triều thì mỗi ngày, những hộ dân ở Triều Khúc thải ra môi trường khoảng 10 tấn rác và hàng vạn mét khối nước thải.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại ở Triều Khúc vẫn chưa có bất kỳ hệ thống lọc nước hay xử lý rác thải nào. Nếu có, cũng chỉ ở từng hộ dân đơn lẻ với trang thiết bị hết sức thô sơ, còn lại đều thải thẳng ra đất đai, sông ngòi.

Chính vì vậy, nguồn nước cũng như bầu không khí ở Triều Khúc trong vài năm trở lại đây luôn trong tình trạng “báo động đỏ.”

Với mục đích quy hoạch các hộ dân sản xuất để vừa phát triển nghề vừa bảo vệ môi trường, cụm công nghiệp Tân Triều đã được thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng.

Cụm công nghiệp này có quy mô 10ha. Đầu năm 2010, huyện Thanh Trì đã tiến hành đấu thầu cho những hộ dân muốn vào cụm công nghiệp để xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên, do quy mô  và diện tích của cụm công nghiệp quá nhỏ nên chỉ có 80 trong tổng số 600 hộ dân làm nghề là có đất. Riêng nghề tái chế phế liệu chỉ có khoảng hơn 20 hộ dân, chưa được 10% số hộ làm nghề này là được vào cụm công nghiệp.

Việc đấu thầu đã gây ra tình trạng người có tiền nhưng mới làm nghề vẫn được vào cụm công nghiệp còn những người gắn bó lâu năm với nghề thì lại không.

Cô Bùi Thị Lập, một người dân làm nghề thu gom và sơ chế phế liệu bày tỏ: “Nhà tôi làm mang tính chất nhỏ lẻ kiếm tiền sống qua ngày nên không đủ tiền vào cụm công nghiệp. Muốn vào mà đâu có được.”

Ông Nguyễn Hữu Vị, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã  Tân Triều nói: “Đây là dự án do huyện Thanh Trì trực tiếp điều hành và quản lý. Để có được một khu đất để sản xuất trong dự án ít nhất cũng phải mất vài trăm triệu. Với số tiền này thì nhiều hộ dân ở làng Triều Khúc dù rất muốn vào cụm công nghiệp nhưng không thể thực hiện được.”

Phải xuất phát từ quyền lợi người lao động

Đất chật, giá cao khiến đa số hộ dân làm nghề ở Triều Khúc vẫn sản xuất tại nhà nên tình trạng ô nhiễm về cơ bản vẫn chưa được giải quyết.

Ông Lưu Duy Dần, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khẳng định: “Không nhiều hộ dân có đủ điều kiện xây dựng các khu xử lý nước, rác, không khí vì thu nhập từ việc làm nghề ở nhiều nơi còn rất thấp.”

“Việc quy hoạch các làng nghề là một quyết sách đúng đắn của Nhà nước, tuy nhiên việc thực hiện nó đang gặp rất nhiều vấn đề. Các tiêu chí trong việc đưa các hộ dân ở làng nghề vào các cụm công nghiệp chưa thực sự rõ ràng.”

Với vấn  đề ở Triều Khúc, ông Dần cũng nói rõ:  “Bảo vệ môi trường phải mang tính chất tổng thể. Ở làng Triều Khúc phần lớn hộ dân vẫn sản xuất tại nhà nên vấn đề cải tạo môi trường vẫn dừng ở mức độ nửa vời.”

“Có thể cho hộ dân sản xuất nhỏ thuê diện tích đất vừa phải hoặc xây nhà xưởng tập trung rồi cho họ thuê, bên cạnh đó sẽ cho xây dựng những công trình xử lý chất thải tập trung và mọi chi phí sẽ do các hộ dân chi trả. Đây cũng là một cách mà Triều Khúc có thể áp dụng được,” ông Dần phân tích thêm.

Với những hộ dân chưa được quy hoạch vào cụm công nghiệp, ông Nguyễn Hữu Vị cho biết: “Xử lý những hộ dân sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở đây rất khó vì có những hộ chỉ làm kiếm tiền sống qua ngày, mà quy trình xử lý chất thải của nghề tái chế phế liệu này rất phức tạp nên rất ít hộ dân có thể  đáp ứng được các quy định.”

Ông cho hay ủy ban xã đang đề xuất với huyện và thành phố mở rộng dự án. Bên cạnh đó sẽ áp dụng hình thức cho thuê đất thay bằng việc đấu thấu để có thể thu hút các hộ dân sản xuất vào và dễ dàng hơn trong bảo vệ môi trường./.

Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục