Hợp tác ASEM để giải quyết vấn đề toàn cầu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên ASEM trong việc xây dựng một hệ thống kinh tế-tài chính mới bền vững hơn trong bối cảnh hiện nay, góp phần vào những nỗ lực quốc tế để phục hồi kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời nâng cao hiệu quả hợp tác và vị thế quốc tế của ASEM.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên ASEM trong việc xây dựng một hệ thống kinh tế-tài chính mới bền vững hơn trong bối cảnh hiện nay, góp phần vào những nỗ lực quốc tế để phục hồi kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề toàn cầu, đồng thời nâng cao hiệu quả hợp tác và vị thế quốc tế của ASEM.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9, Thủ tướng nói các cơ chế hợp tác, liên kết hết sức đa dạng ở nhiều cấp độ khác nhau, đóng vai trò ngày càng quan trọng cho hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thủ tướng cho rằng, sự ra đời của ASEM vào năm 1996 không chỉ bổ sung một “mắt xích bị thiếu” trong quan hệ quốc tế, mà quan trọng hơn, sự kiện này thể hiện quyết tâm của nhân dân Á-Âu trong việc xây dựng quan hệ đối tác giữa hai châu lục, vì lợi ích của các thành viên và đóng góp hiệu quả hơn cho quan hệ quốc tế mới.

Thủ tướng điểm lại 13 năm tồn tại và phát triển, ASEM thực sự đã trở thành một diễn đàn quan trọng cho đối thoại và hợp tác Á-Âu, ngày càng thu hút đông đảo các thành viên tham gia và nội dung hợp tác ngày càng được mở rộng với hình thức phong phú, thiết thực.

Ngày nay, ASEM đại diện cho 58% dân số, 50% GDP và 60% thương mại toàn cầu; gồm 3 trong tổng số 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và 10 trong tổng số 20 thành viên G20 và nhiều thành viên ASEM có vai trò quan trọng trong nhiều thể chế hợp tác quốc tế như WTO, OECD, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định rằng Việt Nam tham gia một cách chủ động và có trách nhiệm trong hợp tác ASEM trên nhiều lĩnh vực góp phần thúc đẩy hợp tác, đối thoại Á–Âu ngày càng sống động, thực chất và hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh, khủng hoảng kinh tế đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy nhiên vẫn có thể biến những thách thức thành cơ hội để phát huy những thế mạnh của hai châu lục.

Phó Thủ tướng cho rằng cần phải tăng cường đối thoại chính trị trên thế giới và trong khu vực để tìm ra tiếng nói chung nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai châu lục, nhất là hợp tác về kinh tế, văn hóa và tăng cường vai trò của Á-Âu, đồng thời tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên ASEM.

Các ý kiến phát biểu tại lễ khai mạc của các Trưởng đoàn đều nhất trí cho rằng trong bối cảnh thế giới nhiều thách thức như hiện nay, châu Á và châu Âu ngày càng gắn chặt với nhau. Hợp tác kinh tế-tài chính được coi là lực đẩy quan trọng góp phần giúp nền kinh tế sớm phục hồi và phát triển.

Việc tăng cường hiểu biết, hợp tác, thông qua đối thoại bình đẳng, cam kết tôn trọng, mở rộng các điểm tương đồng, tôn trọng chủ quyền... trên cơ sở đảm bảo lợi ích chung là vấn đề mấu chốt trong tăng cường hợp tác Âu-Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục