Không phân biệt việc làm đối với người khuyết tật

Người khuyết tật cần đối xử công bằng, nhất là về việc làm khi họ hội tụ đủ điều kiện về năng lực, sức khỏe để tiếp tục cống hiến.
"Người khuyết tật cần phải được tôn trọng. Không nên có những hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, nhất là không phân biệt về việc làm đối với người khuyết tật khi họ có đủ sức khỏe để làm việc và có thể tự nuôi sống bản thân mình", đây là mục đích của buổi hội thảo với chủ đề: Hướng tiếp cận mới của báo chí về việc làm cho người khuyết tật do Tổ chức Lao động quốc tế ILO chủ trì, diễn ra ngày 14/4 tại Hà Nội.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, trên thế giới hiện có khoảng 650 triệu người khuyết tật. Con số này ở Việt Nam là 5,3 triệu người, chiếm 6,34% dân số [theo số liệu từ phòng Chính sách xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - PV].

Tuy nhiên, không phải tất cả những người khuyết tật ở Việt Nam tiếp cận được với cơ hội có việc làm bền vững và quan trọng hơn cả là có cuộc sống ổn định.

Các thành viên tham gia hội thảo đều thống nhất nhận định, mặc dù đã có Luật Người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011 và quy định rất rõ trong điều 33, 34, 35 về việc làm cho người khuyết tật, song trên thực tế, trong số 5,3 triệu người khuyết tật ở Việt Nam thì rất ít người ở độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên và thu nhập đều đặn.

"Nhiều người không được làm việc do sự phân biệt đối xử, cách ứng xử thiếu thiện cảm của cộng đồng khi coi người khuyết tật là gánh nặng của gia đình và xã hội, dẫn tới định kiến sai lầm về khả năng của họ, mặc dù người khuyết tật hoàn toàn có khả năng đóng góp công sức cho sự phát triển của đất nước," bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam phân tích.

Vì vậy, ngày 18/4 hàng năm đã được chọn là ngày Người khuyết tật Việt Nam.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng phòng Chính sách xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, cộng đồng cần có những điều kiện phúc lợi tốt cho người khuyết tật, đi kèm với các trang thiết bị chuyên dùng để người khuyết tật không cảm thấy mình bị phân biệt.

"Bước đầu, cũng cần phân loại 3 nhóm người khuyết tật ở mức đặc biệt nặng, mức nặng, và mức nhẹ để từ đó công tác bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật được thực hiện tập trung hơn," ông Toản cho hay.

Về việc làm dành cho người khuyết tật, theo ông Toản, Luật người khuyết tật đã quy định rất rõ và mang tính trách nhiệm hành chính đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế có khá nhiều trường hợp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ chối tuyển người khuyết tật vào làm việc, mặc dù họ đã trải qua những kỳ kiểm tra sát hạch, với lý do người khuyết tật làm việc không được như người bình thường. Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp phải chịu một khoản chi phí cải tạo lại môi trường, cải tạo lại cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho phù hợp với họ.

"Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền để thay đổi nhận thức và hành vi đối với những trường hợp kỳ thị người khuyết tật thì các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường vai trò kiểm tra giám sát. Phải có những chế tài rõ ràng, thấp là xử phạt hành chính, nặng thì truy cứu trách nhiệm trước pháp luật khi đơn vị sử dụng lao động từ chối người khuyết tật khi họ đã hội tụ đủ điều kiện tuyển dụng," ông Toản nói.

Nhân dịp này, các thành viên tham dự hội thảo đã được đi tham quan tiệm bánh ngọt Donkey Bakery và hãng thời trang Chula, hai doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong việc tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng hơn 60 người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục