Gửi lòng biết ơn, tưởng nhớ tới tổ tiên

Dù cách thức thể hiện và hương vị có khác nhau, song mâm cỗ Tết của người miền Nam, miền Bắc hay miền Trung đều có chung một ý nghĩa là thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.

Dù cách thức thể hiện và hương vị có khác nhau, song mâm cỗ Tết của người miền Nam, miền Bắc hay miền Trung đều có chung một ý nghĩa là thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.

Theo phong tục, mâm cỗ Tết truyền thống của người miền Bắc phải có đủ 4 bát và 6 đĩa. Đầu tiên là bát bóng nấu với thịt lợn nạc, tôm nõn và nước dùng gà, sau là bát miến nấu với lòng mề gà, bát măng ninh chân giò điểm thêm vài cọng hành hoa chẻ nhỏ và cuối cùng là bát cơm cúng được nấu bằng gạo dự thơm nức. Ngoài 5 đĩa chính là xôi, thịt gà luộc, thịt đông, giò lụa, rau xào thập cẩm, trên mâm cỗ Tết không thể thiếu đĩa cá chép kho riềng và đĩa hành muối nén.

Còn ở miền Nam, mâm cỗ Tết nhất thiết phải có đĩa thịt lợn kho nước dừa với trứng hoặc cá lóc cùng với bát canh khổ qua nhồi thịt.

Tết thường bắt đầu từ 30 tháng Chạp, nhưng việc chuẩn bị cho mâm cỗ Tết đã được bắt đầu từ những ngày đầu tháng. Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà Nguyễn Thị Hạnh ở phố Nguyễn Du vẫn miệt mài truyền con cháu cách chuẩn bị một mâm cỗ Tết theo đúng cách của người Hà Nội. Ví như đĩa xôi cúng nhất thiết phải là xôi gấc, còn gà cúng giao thừa phải là gà trống hoa.

Sau khi thành tâm khấn vái mời ông bà, tổ tiên về vui Tết, cả gia đình cùng bạn hữu, xóm giềng lại quây quần bên mâm cỗ, chia sẻ không khí ấm cúng của ngày xuân và dành cho nhau những lời chúc tốt lành trong năm mới.

Bởi vậy mà bất cứ ai, dù đang sinh sống hay công tác, học tập ở miền đất xa xôi nào đó, đều đau đáu mong Tết đến, xuân về.

“Con người ta ai cũng có gốc rễ, cội nguồn. Chỉ cần nghe bà con Việt kiều hỏi nhau ‘Tết này có về Việt Nam không?’ là tôi đã thấy bồi hồi lắm rồi và đó cũng là điều tôi mong mỏi nhất”, ông Triệu Quốc Lập, Việt kiều Séc chia sẻ.

Trong 20 năm bôn ba nơi xứ người, dù công việc kinh doanh rất bận rộn nhưng năm nào ông Lập cũng đưa cả gia đình về Việt Nam ăn Tết, trước là thăm người thân, bạn bè bằng hữu, sau là để thưởng thức những món ăn quê nhà.

Tết vui mấy rồi cũng hết. Mâm cỗ cúng cuối cùng để tiễn ông bà thường được làm vào ngày Mồng 3, hay muộn hơn là vào Mồng 5, phảng phất cái trống vắng mơ hồ, dù nắng xuân vẫn còn hây hây trước gió và những búp mai, búp đào vẫn còn đang hé, chưa kịp khoe duyên.

Dẫu bây giờ nhiều món cỗ Tết đã được thay đổi, gia giảm theo khẩu vị và điều kiện của từng gia đình và đôi khi không có đủ “4 bát, 6 đĩa”, nhưng ý nghĩa của mâm cỗ Tết vẫn đọng sâu trong tâm hồn mỗi người Việt Nam./.

Khánh Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục