Giảm tải tại các bệnh viện: Ước muốn quá xa vời?

Đã gần một tháng kể từ khi nhiều bệnh viện tuyến trung ương áp dụng khung giá viện phí mới. Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên Vietnam+ ngày 14/8 tại một số bệnh viện đã điều chỉnh tăng giá như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K,  tình trạng quá tải vẫn tiếp diễn mà chưa hề có sự chuyển biến tích cực nào. Không khí bệnh viện vẫn ngột ngạt bởi hàng dài người chen chúc chờ khám bệnh và điều trị. Có bệnh nhân ốm nặng không tin nổi vào mắt mình khi nhận được tờ phiếu chỉ định siêu âm tim có đề ngày 6/8 nhưng được hẹn siêu âm vào sáng 12/11, tức là phải chờ tới hơn ba tháng nữa mới tới lượt.
Đã gần một tháng kể từ khi nhiều bệnh viện tuyến trung ương áp dụng khung giá viện phí mới. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Vietnam+ và phản ánh của người dân tại nhiều bệnh viện, việc giảm tải và nâng cao chất lượng sau khi giá viện phí tăng dường như vẫn là ước muốn quá xa vời.

Viện phí tăng nhưng vẫn "chờ dài cổ"
Khảo sát của phóng viên Vietnam+ ngày 14/8 tại một số bệnh viện đã điều chỉnh tăng giá như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K tình trạng quá tải vẫn tiếp diễn mà chưa hề có sự chuyển biến tích cực nào. Nhiều người bệnh ngán ngẩm cho rằng giá dịch vụ y tế tăng chưa đi kèm chất lượng khám chữa bệnh. Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh nhân ở khoa Hô hấp, khoa Tiêu hóa và Khoa Thần kinh khi được hỏi đều bày tỏ nỗi bức xúc về tình trạng nằm ghép 3-4 người trên một chiếc giường rộng chỉ vỏn vẹn có gần một mét. Anh Nam Sơn (ở Thanh Hóa) không giấu nổi sự bức xúc bày tỏ: “Tôi đưa người anh trai ra điều trị tại khoa Tiêu hóa mà bệnh viện ghép bốn người một giường. Khi nào truyền nước là mọi người phải chia theo ca để hai người cố gắng nép mình có thể nằm trên giường. Còn nếu như cả bốn người cùng truyền một lúc thì chỉ có cách hai người kia nằm xuống sàn!” Còn tại Bệnh viện K, không khí bệnh viện vẫn ngột ngạt bởi hàng dài người chen chúc chờ khám bệnh và điều trị. Trong tiết trời sập sùi ẩm ướt do những cơn mưa liên tiếp kéo dài nhiều ngày qua, sàn hành lang cầu thang dù nhớp nháp do nhiều người qua lại nhưng bệnh nhân đang truyền dịch vẫn nằm la liệt. Tại khoa Nội của bệnh viện, vẫn có tình trạng 3-4 bệnh nhân phải nằm ghép chung một giường. Với gương mặt gầy rộc vì những đợt truyền hóa chất khá mệt, chị M. H đến từ Hưng Yên tâm sự, tối chị ngủ rất ít và chập chờn vì quá đông người một phòng. Trên giường có hai người bệnh thôi đã khó chịu rồi, thế nhưng dưới đất bệnh nhân cũng phải trải chiếu nằm la liệt đến mức không còn chỗ nào trống để đi. Anh Kiều Trung Thành (ở Thạch Thất, Hà Nội) kể anh đưa vợ bị bệnh tim, với tình trạng khó thở nặng nhập viện từ thứ Hai tuần trước (ngày 6/8), đến nay đã được một tuần. Trong tuần đầu, vợ anh chỉ được truyền nước mà chưa được điều trị gì thêm. Trong tờ phiếu chỉ định siêu âm tim màu có đề ngày 6/8 của vợ anh, bác sỹ hẹn gia đình đến siêu âm tim màu vào sáng 12/11/2012. Như vậy, chị Thìn phải chờ tới hơn ba tháng mới tới lượt siêu âm. “Nói dại, chờ đến ngày đó, không biết vợ tôi có còn sống để mà siêu âm không nữa” - anh Thành chia sẻ. Không tin nổi vào mắt mình, anh Thành kể: “Tôi tưởng nhân viên y tế ghi nhầm ngày bèn nhắc nhở họ nhầm tháng thì nhận được câu trả lời rằng không nhầm, do có quá nhiều bệnh nhân nên gia đình phải chờ lâu mới tới lượt.”

Tờ giấy hẹn siêu âm tim của anh Thành.
“Đỏ mắt” tìm phòng dịch vụ y tế theo yêu cầu Khi viện phí tại nhiều bệnh viện tăng, những phòng bệnh bình thường chưa giải quyết được tình trạng quá tải. Có không ít người có điều kiện về tài chính muốn thuê những phòng dịch vụ theo yêu để tránh nạn nằm ghép. Tuy nhiên các "phòng bệnh cao cấp” này ở các bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức và K lúc nào cũng “cháy” phòng. Anh Thành bày tỏ, không đành lòng nhìn vợ ốm nặng lại phải nằm chung với 2 -3 bệnh nhân nên nhiều gia đình dù kinh tế khó khăn cũng đành “bấm bụng” nằm phòng dịch vụ.  Anh muốn thuê phòng điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai có giá 150 nghìn đồng một ngày cho vợ nằm, tuy nhiên, yêu cầu này không phải ai cũng được toại nguyện, bởi phòng dịch vụ của khoa Hô hấp cũng chỉ có hạn. Tại Bệnh viện Việt Đức, giá một giường bệnh tại phòng dịch vụ y tế theo yêu cầu từ 500-700 nghìn đồng một giường - tương đương với giá phòng của một khách sạn ba sao. Song, nhiều người bệnh muốn “phóng tay” chi tiền lựa chọn nằm các giường trên vẫn phải “dài cổ” chờ đợi. Một phòng dịch vụ ở Bệnh viện Việt Đức thường có hai giường bệnh. Tại phòng này, người bệnh được hưởng những tiện nghi đầy đủ hơn. Trong khi những phòng bệnh thường có từ 4 giường trở lên và điều hòa chỉ được bật khi trời nóng quá hay lạnh quá, thì những phòng dịch vụ có điều hòa 24/24, tivi và tủ lạnh đầy đủ. Bác Hòa, bố của một bệnh nhân vừa phẫu thuật do tai nạn giao thông, cho hay: “Cháu bị tai nạn khá nặng, phải nằm viện lâu. Gia đình muốn cho cháu nằm phòng dịch vụ theo yêu cầu để điều kiện được tiện nghi hơn nhưng chờ gần bốn ngày nay vẫn chưa có phòng.” Tình hình thuê phòng dịch vụ theo yêu cầu tại Bệnh viện K là căng thẳng nhất, rất hiếm bệnh nhân thuê được phòng dịch vụ. Vì vậy, người có tiềm lực về tài chính hay người nghèo đều "chung một số phận" nằm ghép. Chị Lan (Hưng Yên), mồ hôi đang chảy ròng ròng, tâm sự rằng không cái nào khổ bằng việc vào viện. Chị chấp nhận mất nhiều tiền thuê phòng dịch vụ để nằm một mình một giường cũng không được, vì phòng dịch vụ của bệnh viện chỉ có hai phòng với 8 giường, không tới lượt chị.      Vì vậy chị đành phải thuê nhà riêng, vào bệnh viện truyền xong lại về chỗ nghỉ cho thoải mái./.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục