Hội nghị giải trừ quân bị thông qua khuôn khổ làm việc

Ngày 3/2 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneve (Thụy Sĩ) đã diễn ra phiên họp toàn thể Hội nghị giải trừ quân bị (CD) để thông qua khuôn khổ làm việc cho kỳ họp thứ nhất khóa họp của năm 2009 dưới sự chủ trì của đại sứ Việt Nam Lê Hoài Trung trong cương vị Chủ tịch luân phiên Hội nghị.

Ngày 3/2 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneve (Thụy Sĩ) đã diễn ra phiên họp toàn thể Hội nghị giải trừ quân bị (CD) để thông qua khuôn khổ làm việc cho kỳ họp thứ nhất khóa họp của năm 2009 dưới sự chủ trì của đại sứ Việt Nam Lê Hoài Trung trong cương vị Chủ tịch luân phiên Hội nghị.
 
Theo đó Hội nghị sẽ tổ chức thảo luận không chính thức trên 7 đề mục chính là: giải trừ quân bị hạt nhân; cấm sản xuất chất phân hạch để sản xuất vũ khí hạt nhân và các thiết bị nổ hạt nhân khác; ngăn ngừa chạy đua vũ trang trong khoảng không vũ trụ; các cơ chế quốc tế nhằm đảm bảo các nước không có vũ khí hạt nhân không bị tấn công hoặc đe dọa tấn công bằng vũ khí hạt nhân, các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mới, vũ khí phóng xạ; chương trình giải trừ quân bị toàn diện; minh bạch trong vũ trang.
 
Hội nghị cũng tán thành việc đề xuất đại sứ các nước Chile, Italy, Canada, Senegal, Bulgaria, Sri Lanka và Indonesia làm điều phối viên cho các cuộc thảo luận; sau đó báo cáo kết quả lên Hội nghị thông qua Chủ tịch.
 
Phát biểu giới thiệu khuôn khổ làm việc và các điều phối viên, Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh đây là kết quả của nhiều ngày tham vấn giữa các nước thành viên, bày tỏ mong muốn chung là các cuộc thảo luận trong thời gian tới sẽ giúp thu hẹp bất đồng để Hội nghị có thể sớm đi vào thương lượng trên những đề mục có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc tế thuộc Chương trình nghị sự của khóa họp năm 2009 đã được Hội nghị thông qua.
 
Cũng tại phiên họp này, bà Dipu Moni, tân Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh nhấn mạnh rằng hàng năm, các quốc gia chi trên 1.400 tỷ USD cho vũ trang, tăng 45% so với cách đây mười năm, trong khi thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phát triển và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay có thể xóa đi nhiều thành quả phát triển đã đạt được cho đến nay. Do vậy những đóng góp của CD là rất quan trọng và hy vọng những diễn biến mới trong tình hình quốc tế cùng các hội nghị kiểm điểm của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Công ước cấm vũ khí sinh học sẽ tạo động lực mới cho công việc của Hội nghị.
 
Phát biểu trong các phiên họp trước đó, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của CD trong việc thúc đẩy các biện pháp giải trừ quân bị đang ngày càng trở nên cấp thiết trước sự gia tăng của nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; mối đe dọa của việc những loại vũ khí, vật liệu chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt rơi vào tay các tổ chức khủng bố quốc tế và nhu cầu tăng cường an ninh quốc tế thông qua các cơ chế đa phương.
 
Nhiều nước đề cập đến các ưu tiên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân hiện có trên thế giới, tăng cường hiệu lực của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và thúc đẩy đưa Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) đi vào hiệu lực. Đoàn đại biểu Nga cũng thông báo sẽ cùng đoàn đại biểu Trung Quốc giới thiệu dự thảo Hiệp ước ngăn chặn đưa vũ khí, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đối với các vật thể trong vũ trụ./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục