Chính phủ tiếm quyền Honduras đưa ra đề xuất mới

Chính phủ tiếm quyền Honduras ngày 23/10 đã đưa ra đề xuất mới nhằm giải quyết bế tắc chính trị hiện nay tại quốc gia Trung Mỹ này.
Chính phủ tiếm quyền Honduras ngày 23/10 đã đưa ra một đề xuất mới nhằm giải quyết tình trạng bế tắc chính trị hiện nay tại quốc gia Trung Mỹ này.

Đề xuất trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi đại diện đàm phán của Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya tuyên bố tiến trình thương lượng đã đổ vỡ.

Ông Vilma Morales, đại diện đàm phán của Tổng thống tiếm quyền Robert Micheletti, cho biết chính phủ lâm thời Honduras sẵn sàng để ông Zelaya trực tiếp yêu cầu Quốc hội quyết định việc có nên phục chức cho ông hay không.

Trước đó, ông Micheletti khẳng định chỉ có Tòa án Hiến pháp, từng bác bỏ khả năng phục chức cho ông Zelaya, mới được đưa ra quyết định về vấn đề trên.

Ông Victor Meza, đại diện đàm phán của ông Zelaya, cho biết Tổng thống bị lật đổ sẽ chưa đưa ra phản ứng với đề xuất trên vì "nó vẫn chưa chính thức được chuyển tới".

Trước đó, ông Zelaya từng nói rằng ông muốn Quốc hội phán quyết về việc phục chức cho ông, dù kết quả thăm dò mới đây cho thấy chỉ có 1/5 số nghị sĩ ủng hộ.

Ngoài ra, nhóm đàm phán của chính phủ tiếm quyền cũng đề xuất giải pháp cả hai ông Micheletti và Zelaya cùng từ bỏ chiếc ghế Tổng thống và để một bên thứ ba đảm nhiệm nốt cương vị trên trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống của ông Zelaya. Tuy nhiên, ông Zelaya lập tức bác bỏ đề xuất này.

Trong tuyên bố ngày 23/10, ông Zelaya cũng khẳng định việc chính quyền Micheletti đề xuất thành lập một chính phủ chuyển tiếp cho đến ngày bầu cử ở Honduras (dự kiến vào ngày 29/11 tới) là một đề xuất "khó nghe".

Ông nhấn mạnh sẽ là "không nghiêm túc và bất lịch sự" đối với nhân dân Honduras nếu ông chấp nhận thương lượng về việc dựng lên một Tổng thống lâm thời thay thế ông, người đã được nhân dân bầu ra một cách hợp pháp.

Trước đó, đêm 22/10, các nhà đàm phán của ông Zelaya đã tuyên bố kết thúc 16 ngày đối thoại không hiệu quả và khép lại khả năng thương lượng giữa các bên.

Chính phủ bị lật đổ khẳng định không thể tiếp tục đối thoại và bất kỳ đề xuất mới nào từ các nhà đàm phán của chính phủ tiếm quyền sẽ phải trình OAS xem xét. Chính phủ bị lật đổ sẽ không xem xét đề nghị nào từ phía chính phủ tiếm quyền mà không bao gồm cả điều kiện phục chức cho ông Zelaya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục