Đức có tiềm năng lớn về sản xuất năng lượng sạch

Đến năm 2020, Đức phấn đấu nâng tỷ lệ tham gia của năng lượng từ sức gió, mặt trời, khí sinh học... lên 28% tổng năng lượng tiêu thụ.
Viện Nghiên cứu năng lượng sạch của Đức lần đầu tiên đã công bố bản đồ quy hoạch sử dụng diện tích đất đai dành cho những dự án năng lượng sạch với tổng diện tích hơn 357.000 km2.

Diện tích đất trên được dùng làm công viên phong điện, thủy điện, trồng các loại cây sản xuất năng lượng sinh học và công viên năng lượng mặt trời,...

Bản đồ đã thể hiện Đức là quốc gia có tiềm năng lớn và đa dạng về các nguồn năng lượng sạch.

Những năm qua, chính phủ Đức thường thể hiện vai trò rất tích cực tại các diễn đàn quốc tế về chống biến đổi khí hậu toàn cầu và luôn có chính sách hạn chế tối đa lượng khí thải CO2 bằng cách phát triển những dự án khai thác tiềm năng nguồn năng lượng sạch.

Giám đốc Viện Nghiên cứu năng lượng sạch, Joerg Mayer cho biết Đức có thể khai thác được nguồn năng lượng sạch rất lớn mà không tốn kém nhiều diện tích đất.

Chẳng hạn như Đức phấn đấu đưa năng lượng điện từ sức gió đến năm 2020 có thể đáp ứng 20% nhu cầu điện tiêu dùng, trong khi các công viên phong điện chỉ chiếm 0,75% diện tích đất nông nghiệp.

Mục tiêu của Đức là đến năm 2020, sẽ nâng tỷ lệ tham gia của năng lượng từ sức gió, mặt trời, khí sinh học, thủy điện và địa nhiệt lên 28% trong tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước.

Tiềm năng lớn nhất là lĩnh vực năng lượng sinh học, đến năm 2020 có thể cung cấp tới 15% năng lượng điện, nhiệt và nhiên liệu ở Đức.

Điều đó đồng nghĩa với việc diện tích trồng cấy các loại cây sản xuất năng lượng sinh học tăng từ 1,6 triệu ha hiện nay lên 3,7 triệu ha vào năm 2020.

Về năng lượng mặt trời, theo bản đồ quy hoạch, đến nay mới chỉ có 2,5% diện tích mái nhà ở tận dụng năng lượng mặt trời để sản xuất điện tiêu dùng và nhiệt sưởi.

Các công viên năng lượng mặt trời trên những khu đất hoang ở Đức mới chỉ có 1.700ha, tức 0,005% tổng diện tích cả nước, dự kiến đến năm 2020 là 10.000ha.

Khu công viên năng lượng mặt trời trước hết sẽ tạo cho địa phương một môi trường trong lành không có khí thải ô nhiễm, góp phần tích cực vào chiến lược bảo vệ thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu của Chính phủ Đức, đặc biệt nếu xây dựng tại các khu căn cứ quân sự trước kia sẽ góp phần cải tạo đất đai và môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục