Gian nan câu chuyện khởi kiện đòi bảo hiểm xã hội

Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Chánh Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc thanh tra pháp luật lao động đối với từng doanh nghiệp là hết sức khó khăn, cả nước có 470 thanh tra viên nhưng lại có đến 350.000 doanh nghiệp. Số thanh tra viên này lại đảm trách nhiều công việc như tài chính, tổ chức, lao động, trẻ em, bình đẳng giới... Việc doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội ngày càng trở nên phổ biến và trở nên khó đòi. Nguyên nhân một phần do đội ngũ cán bộ đốc thu bảo hiểm xã hội chưa ráo riết, quyết liệt và kiên trì; lũy kế dư nợ hàng năm tăng cao...
Theo Bộ luật Lao động, một trong những nhiệm vụ quan trọng của thanh tra lao động là giải quyết khiếu nại tố cáo, hòa giải tranh chấp lao động, thanh tra và xử phạt hành chính về pháp luật lao động.

Nếu hoạt động thanh tra được tiến hành thường xuyên, sát sao thì sẽ hạn chế tối đa các hành vi vi phạm pháp luật lao động. Để thực hiện được điều này cần thiết phải có đội ngũ thanh tra viên đủ về số và đạt về chất.

Gian nan chuyện khởi kiện đòi bảo hiểm xã hội

Theo ông Nguyễn Văn Tiến - Chánh Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc thanh tra pháp luật lao động đối với từng doanh nghiệp là hết sức khó khăn, dường như không thể, bởi lẽ cả nước có 470 thanh tra viên nhưng lại có đến 350.000 doanh nghiệp. Số thanh tra viên này lại đảm trách nhiều công việc như tài chính, tổ chức, lao động, trẻ em, bình đẳng giới...

Cũng theo ông Tiến, Bộ đã kiến nghị Bộ Nội vụ về việc tăng cường thanh tra viên, tuy nhiên hiện số thanh tra viên của cả nước cũng chỉ ở mức dưới 500 người. Hiện nay, để hoạt động thanh tra lao động được tiến hành thường xuyên và hiệu quả, cả nước cần đến 1.000-1.500 thanh tra.

Cũng theo ông Tiến, bình quân một năm, ngành thanh tra lao động cả nước chỉ mới tiến hành thanh tra được 3.000 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp chỉ thanh tra được một lần, khả năng tái thanh tra là điều không thể.

Qua hoạt động thanh tra, đối với một doanh nghiệp, lực lượng chức năng phát hiện ít nhất bảy lỗi vi phạm, phổ biến là lỗi vi phạm về tiền lương - thời gian làm việc, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội.

Việc doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội ngày càng trở nên phổ biến và trở nên khó đòi. Nguyên nhân một phần do đội ngũ cán bộ đốc thu bảo hiểm xã hội chưa ráo riết, quyết liệt và kiên trì; lũy kế dư nợ hàng năm tăng cao do trước đây, việc truy thu được thực hiện theo quý sáu tháng.

“Đòi” không được, ra quyết định xử lý hành chính cũng không xong, thậm chí nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt, cơ quan bảo hiểm xã hội buộc phải tính đến giải pháp cuối cùng là khởi kiện. Tuy nhiên, việc làm này được xem là giải pháp cuối cùng và không phải khi nào cũng đạt được kết quả.

Đối với chủ doanh nghiệp bỏ trốn, việc xác định tư cách pháp lý để tòa thụ án không hề đơn giản và mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Ngay cả khi đã có phán quyết của tòa án, chủ doanh nghiệp vẫn không chịu thi hành, do khởi kiện doanh nghiệp chiếm dụng bảo hiểm xã hội chỉ là vụ kiện dân sự, dạng tranh chấp lao động, nên nhiều chủ doanh nghiệp tỏ ra “thờ ơ,” coi thường bản án.

Việc phát mãi tài sản cũng mất nhiều thời gian và công sức, hơn nữa nhiều lúc định giá tài sản doanh nghiệp không đủ để chi trả tiền nợ bảo hiểm xã hội, tiền thuê mướn mặt bằng, tiền lương công nhân.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáu tháng đầu năm 2010, các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 3-12 tháng gần 196 tỷ đồng, từ 12 tháng trở lên là 91 tỷ đồng, đặc biệt nợ khó đòi vượt hơn 47 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội thành phố và các bảo hiểm xã hội các quận huyện đã tiến hành khởi kiện trên 20 doanh nghiệp nhưng số tiền thu được chưa bằng 50% số nợ phải đòi.

Trong khi đó, theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, án phí cho một vụ kiện lên đến hàng chục triệu đồng, số tiền này đều do cơ quan bảo hiểm xã hội tự ứng ra chi trả.

Vì thế, số đơn vị mà bảo hiểm xã hội thành phố chỉ định khởi kiện trong năm 2009 đã buộc phải tiến hành khởi kiện sang năm 2010. Nợ cũ đòi chưa xong đã thêm nợ mới!

“Nóng” chuyện tai nạn lao động...

Tình hình thiếu đội ngũ nhân lực cũng xảy ra trong ngành bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Theo bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay tại cơ quan này đã có 15 người xin nghỉ việc, trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng do số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng nhiều.

Đội ngũ thanh tra viên về vấn đề lao động cũng có chung hoàn cảnh. Hiện nay, thành phố chỉ có 57 thanh tra viên, trong khi số lượng doanh nghiệp cần quản lý liên quan đến vấn đề lao động lên đến trên 40.000 doanh nghiệp. Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các hành vi vi phạm pháp luật lao động, trong đó nổi cộm vấn đề tai nạn lao động gây chết người.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi dẫn đầu cả nước về số vụ tai nạn lao động, đặc biệt là số vụ tai nạn dẫn đến tử vong. Nếu sáu tháng đầu năm 2009, trên địa bàn thành phố có 43 người chết vì tai nạn lao động thì sáu tháng đầu năm 2010 con số này đã tăng lên 54 người. Trong đó, riêng ngành xây dựng chiếm đến 39 trường hợp, chiếm 73% số vụ tai nạn.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn lao động là do người sử dụng lao động không tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn lao động, người lao động có không có thói quen sử dụng phương tiện bảo hộ lao động trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là sự hiện diện của lực lượng thanh tra lao động. Số thanh tra viên như hiện naykhông thể thanh tra toàn diện các đơn vị sản xuất, trong khi số lượng đơn vị không ngừng tăng nhanh và khó kiểm soát. Đa số sau khi các vụ tai nạn lao động xảy ra, gây thương vong hoặc thiệt hại tài sản thì lúc đó thanh tra mới “nhập cuộc.” Việc thanh tra phát hiện sai phạm trước đó dường như đã bị bỏ ngỏ.

Trong sáu tháng đầu năm 2010, thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra tại 362 doanh nghiệp, công trình xây dựng và đã ban hành 220 quyết định xử phạt về hành vi vi phạm pháp luật lao động với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.

Còn theo Ủy ban Nhân dân Thành phố, tính đến cuối tháng 7/2010, thành phố đã xảy ra 87 vụ tai nạn, làm chết 73 người, bị thương 35 người; lực lượng cơ quan chức năng đã triển khai thực hiện 76 cuộc thanh tra hành chính và tiến hành 112 đoàn thanh tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp về tình hình tai nạn lao động như hiện nay, số lượt thanh tra như trên cũng chỉ như "muối bỏ bể" trong khi ý thức tuân thủ pháp luật lao động của chủ doanh nghiệp, người lao động còn nhiều hạn chế và lực lượng thanh tra viên còn quá thiếu mỏng./.

Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục