Còn nhiều bất cập từ trạm thu phát sóng di động

Cả nước có 42.038 trạm thu phát sóng di động nhưng chỉ gần 62% được kiểm định chất lượng, nhiều trạm xây dựng chưa được cấp phép.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mới chỉ có gần 62% trạm thu phát sóng di động (BTS) được kiểm định chất lượng, và nhiều doanh nghiệp đã đưa các trạm BTS vào hoạt động mà chưa có giấy phép xây dựng...

Các chuyên gia dự báo, năm 2010, với sự tăng tốc của 3G, nhu cầu phát triển thêm số trạm BTS sẽ là rất lớn. Vì vậy, cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng cũng như ý thức chấp hành quy định của các doanh nghiệp để các trạm BTS phát triển hợp lý.

Chưa có giấy phép đã xây dựng

Tại Hội nghị quản lý, phát triển các trạm thu phát thông tin di động, ngày 14/11, ông Hoàng Minh Chính (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình) cho hay, “trạm thu phát thông tin di động là công trình viễn thông nằm trong danh mục ‘bắt buộc phải kiểm định’.”

Quy định nêu rõ, doanh nghiệp phải hoàn thiện hồ sơ hợp lệ, gửi Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông trong thời hạn 90 ngày kể từ khi đưa trạm BTS vào sử dụng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị chưa thực hiện.

Đây là thực trạng ở Thái Bình, song theo đại diện của nhiều Sở Thông tin và Truyền thông, đó cũng là thực trạng chung ở một số địa phương trong cả nước. Đơn cử như Hà Nội hiện có 3700 trạm BTS đang hoạt động nhưng chỉ có 2020 trạm được cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông công bố, tính đến hết 12/2009, tổng số có 42.038 trạm BTS đã lắp đặt, song chỉ có 25.902 trạm được kiểm định, đạt 61,62%.

Ngoài ra, một số đơn vị còn "quên" công bố sự phù hợp tại trạm BTS dù đã được kiểm định cấp phép. Điều này thể hiện qua con số chỉ có 790 trạm đăng ký.

Một vấn đề đặt ra trong việc quản lý và phát triển các trạm BTS là việc các doanh nghiệp xây dựng mà chưa có giấy phép. Cụ thể, tỉnh Thái Bình có 573 trạm BTS, thì mới có 77 trạm có giấy chứng nhận kiểm định. Ngoài ra, có tới 216 trạm BTS đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được cấp phép. Còn ở Phú Yên, có đến 1 nửa trạm BTS trên tổng số gần 600 trạm ở tỉnh này được xây dựng mà chưa có phép.

Nói về nguyên nhân, ông Chính cho hay, nhiều doanh nghiệp không làm đúng trình tự xin cấp phép xây dựng theo quy định. Có doanh nghiệp chỉ thỏa thuận với hộ dân, sau đó tiền hành thi công... “Khi người dân có khiếu kiện, chúng tôi xuống kiểm tra thì chưa hề có ý kiến của bất kỳ cơ quan quản lý nào,” ông nói.

Vẫn sẽ còn các trạm BTS "chưa chuẩn"?

Thực tế, phát triển các trạm BTS là một vấn đề quan trọng trong phát triển hạ tầng viễn thông, nhất là khi các mạng đang triển khai 3G trong năm 2010 này. Sự tồn tại nói trên là hệ quả của việc phát triển quá nhanh, trước đây khi xây dựng BTS lại mang tính tự phát.

Ông Nguyễn Đức Trung cho hay, trong năm 2010, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục kiểm định khoảng 17.000 trạm BTS còn lại và những trạm xây mới.

Nhiều chuyên gia dự đoán, chắc chắn sẽ còn những trạm xây dựng chưa "đạt chuẩn."

Tại tỉnh Thái Bình, khi một trạm BTS ở tỉnh này vừa đi vào hoạt động, người dân thấy hiện tượng sét rất nhiều. Các chuyên gia về kiểm tra, phát hiện có dòng điện. Hóa ra, cột BTS nọ có dây chống sét nhưng lại… không gắn liền với thiết bị tiếp đất.

Để giải quyết vấn đề doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về BTS, các Sở kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có hướng dẫn cụ thể về chế tài xử phạt đối với các hành vi chậm trễ trong công tác kiểm định và công bố phù hợp với công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thành Hưng nói, tuy hệ thống văn bản pháp luật đã có nhiều thay đổi phù hợp để phát triển BTS nhưng vẫn còn có một số bất cập . Ngoài ra, tính tuân thủ luật pháp của doanh nghiệp còn chưa triệt để. Từ đó, Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực từ 1/7 tới sẽ giải quyết những vấn đề vướng mắc còn tồn tại.

Ông Hưng cũng đề nghị Cục Quản lý Chất lượng Công nghệ Thông tin và Truyền thông xây dựng phương án phối hợp với các cơ quan địa phương, giám sát, kiểm tra các trạm BTS.

“Các doanh nghiệp phải công bố giấy kiểm định của cơ quan chức năng cho dân biết,” ông Hưng nói./.
Phát triển BTS bằng công nghệ thân thiện

Theo ông Lê Xuân Công, phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, nhiều quốc gia có những chính sách quy định hoặc khuyến khích  áp dụng các công nghệ thân thiện môi trường để phát triển các trạm BTS.

Hiện, một số trạm BTS thân thiện môi trường đang được nghiên cứu và triển khai như cột cao lắp các thiết bị trạm gốc và các anten. Cấu trúc cột cao được cho là ít ảnh hưởng đến môi trường hơn so với cột truyền thống, giảm được 30% phát xạ CO2. Ngoài ra, các công nghệ tiết kiệm năng lượng cũng được áp dụng...

Đánh giá vấn đề này ở Việt Nam, ông Công nói, các doanh nghiệp đều có nhu cầu triển khai công nghệ mới như lắp đặt các BTS sử dụng năng lượng mặt trời, gió tại một số khu vực…

“Các doanh nghiệp cần xem xét, triển khai các công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường hay sử dụng cột bê tông, có ngụy trang… để phát triển BTS,” ông Công đề nghị.
Kỳ Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục