Cốc Khai Lai: Từ người đàn bà quyền lực đến án tử

Là một luật sư tiếng tăm, lấy chồng danh giá, bà Cốc Khai Lai từng có tất cả. Nhưng giờ, bà phải nhận án tử hình treo vì tội giết người.
Là một luật sư quốc tế tiếng tăm, kết hôn với một trong những chính trị gia quyền lực nhất Trung Quốc và có con trai học ở Đại học Harvard, bà Cốc Khai Lai từng có tất cả. Nhưng giờ đây, bà phải nhận án tử hình treo vì tội giết người.

Kể từ khi bị bắt giam đầu năm nay vì tình nghi đầu độc doanh nhân người Anh Neil Heywood, hình ảnh bà Cốc mới bắt đầu được báo chí chú ý nhiều và khắc họa đậm hơn. Là con gái của vị tướng thời tiền cách mạng tiếng tăm Cốc Cảnh Sinh, bà Cốc Khai Lai cũng thuộc nhóm thái tử đỏ giống ông chồng Bạc Hy Lai. Giống như ông Bạc, bà vào học ở Đại học Bắc Kinh danh tiếng, dù họ không gặp nhau tới năm 1984, khi bà có chuyến du khảo ở thành phố miền đông Đại Liên, nơi ông Bạc đang làm bí thư một địa phương. “Ông ấy rất giống cha tôi, một người yêu lý tưởng”, bà Cốc, 53 tuổi, nói với báo Southern Weekend, một tờ báo địa phương, trong bài phỏng vấn đăng năm 2009, về cuộc gặp đầu tiên với ông Bạc. “Ông ấy sống trong một căn phòng nhỏ tồi tàn, mời tôi ăn táo và nói với tôi về những ý tưởng của ông ấy”. Họ kết hôn hai năm sau đó và năm 1987 hạ sinh con trai Bạc Qua Qua, người từng học trường tư vào loại danh tiếng nhất của Anh, Harrow, rồi sau đó là Đại học Oxford và bằng sau đại học ở Harvard. Bà bắt đầu làm luật sư cũng vào năm Bạc Qua Qua ra đời, rồi thành lập công ty riêng và nổi tiếng nhờ là luật sư Trung Quốc đầu tiên thắng kiện ở một tòa án Mỹ, một trải nghiệm mà bà kể lại trong hai cuốn sách sau này trở thành sách bán chạy ở Trung Quốc. Ed Byrne, một luật sư người Mỹ từng làm việc với bà Cốc, mô tả bà là người “thông minh, cá tính, hấp dẫn”. “Tôi rất ấn tượng với bà ấy”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Khi sự nghiệp chính trị của chồng cất cánh, bà Cốc bỏ nghề luật, một sự hy sinh mà ông Bạc rất trân trọng và đã nhắc tới hồi tháng 3 trong cuộc họp báo hóa ra là lần cuối cùng xuất hiện trước công chúng của ông. Ông Bạc mô tả vợ như một người nội trợ đảm đang từ bỏ một nghề nghiệp đầy hứa hẹn để chăm sóc gia đình và phản bác những cáo buộc chống lại bà Cốc. Tuy nhiên, những chi tiết mới đây về cuộc đời bà Cốc cho thấy trái với mô tả của ông Bạc, bà nhiều khả năng không phải là một bà nội trợ khiêm tốn tầm thường. Bà Cốc đã có vài năm sống ở Anh khi con trai bà ở đây, tại một nơi do Neil Heywood thu xếp. Trong khi ở Anh, bà sống trong những khách sạn đắt tiền nhất và sử dụng một chiếc máy bay cá nhân thuộc sở hữu một người bạn tỷ phú, theo các nguồn giấu tên được New York Times dẫn lại. Cuộc sống xa xỉ đó không phải là một sự chuẩn bị tốt cho bà Cốc khi bà phải ngồi tù, có thể là án chung thân, hình phạt thông thường đối với án tử hình treo. Tuy nhiên, không phải lúc nào cuộc đời bà Cốc cũng dễ chịu như sau khi cưới ông Bạc. Trong thời cách mạng văn hóa, cha mẹ bà từng bị bắt giữ và bà cùng bốn người chị em gái bị gửi đến một trại cải tạo ở ngoại ô, buộc bà phải bỏ học giữa chừng và sống trong điều kiện tồi tệ ở nhà một công nhân xây dựng, một tay đồ tể, rồi một nhạc công đàn luýt. Không hiểu, quãng thời gian đó ảnh hưởng ra sao đến tính cách của bà sau này, để rồi phải nhúng chàm?
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục