Mỹ dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ

Nghiên cứu và phát triển của Mỹ chiếm 1/3 trong tổng số 1.100 tỷ USD đầu tư nghiên cứu và phát triển toàn cầu trong năm 2007.
Ngày 18/1, trong báo cáo được công bố 2 năm một lần, Ủy ban Khoa học Quốc gia Mỹ (NSB) khẳng định Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo rằng nhiều nước đã đạt những bước tiến lớn trong lĩnh vực này và có thể đuổi kịp Mỹ trong tương lai.

NSB cho biết đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Mỹ chiếm 1/3 trong tổng số 1.100 tỷ USD đầu tư nghiên cứu và phát triển toàn cầu trong năm 2007.

Theo số liệu mới nhất, trong 10 năm (tính đến năm 2007), đầu tư vào nghiên cứu và phát triển ở Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu tăng từ 5-6%, trong khi ở Ấn Độ, Hàn Quốc tăng 9-10% và đặc biệt ở Trung Quốc tăng hơn 20%.

Nỗ lực của các nước đang phát triển ở châu Á nhằm tăng cường năng lực khoa học và công nghệ đã ghi nhận nhiều thành quả đáng khích lệ và đã thu hẹp dần khoảng cách với Mỹ.

Mỹ không chỉ dẫn đầu thế giới về số lượng tiến sĩ khoa học và công nghệ mà còn dẫn đầu về hoạt động đổi mới khoa học và công nghệ.

Năm 2007, Mỹ cấp 22.500 bằng tiến sĩ khoa học tự nhiên và công nghệ, dù hơn một nửa trong số này là công dân nước ngoài. Tuy nhiên, đa số những nhà khoa học đều ở lại làm việc tại Mỹ (năm 1997, tỷ lệ này là 60%).

Năm 2008, các nhà khoa học Mỹ công bố 760.000 công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học danh tiếng của thế giới.

Trong khi đó, số công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc chỉ bằng 8% tổng số trên, tăng 1% so với 10 năm trước đó.

Số bằng phát minh của Trung Quốc trong năm 2008 chỉ tương đương 1% số bằng phát minh của các nhà khoa học Mỹ trong cùng năm.

Có tới 49% số bằng phát minh của toàn cầu năm 2008 thuộc về các nhà khoa học làm việc tại Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục