Thành công từ dồn điền trồng cao su tại Tây Bắc

Sau hơn 4 năm trồng cây cao su ở Tây Bắc, đến nay hướng phát triển đại điền trồng cao su ở khu vực này đã có hiệu quả bước đầu.

Sau hơn 4 năm, kể từ năm 2007 khi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lần đầu tiên đưa cây cao su lên trồng ở các tỉnh Tây Bắc, đến nay tại tỉnh Sơn La đã có gần 6.000 ha cao su đang phát triển tốt.

Mô hình phát triển cây cao su ở Sơn La khác với các tỉnh miền đông Nam Bộ và Tây Nguyên ở chỗ các hộ nông dân nơi đây góp những mảnh đất manh mún để xây dựng các lô, khoảnh cao su liền vùng, trở thành đại điền tập trung. Theo hướng phát triển này đến năm 2015, Sơn La phấn đấu có tổng diện tích đại điền phát triển cây cao su khoảng 20.000 ha.

Đưa cây cao su lên Tây Bắc

Ông Lê Minh Châu, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khẳng định việc phát triển cây cao su ở các tỉnh Tây Bắc là hướng đi đúng.

Từ nay đến năm 2015, tập đoàn phấn đấu phát triển cây cao su đạt từ 800.000-850.000ha, trong đó vùng Tây Bắc là 50.000ha. Phát triển cây cao su vừa đảm bảo quy hoạch lâu dài, bền vững, vừa phải đáp ứng nguồn lợi kinh tế của đất nước. Theo đó an sinh xã hội, cuộc sống của đồng bào ở Tây bắc sẽ được nâng lên.

Sau 4 năm thực hiện, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã đầu tư gần 400 tỷ đồng vào chương trình phát triển cây cao su tại địa bàn tỉnh Sơn La. Tỉnh đã trồng được gần 6.000ha cây cao su trên địa bàn 6 huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Mộc Châu, Thuận Châu, Yên Châu.

Quy mô của Công ty cổ phần cao su Sơn La được xây dựng 15 đội sản xuất, trong đó công ty đã đầu tư xây dựng 9 trung tâm với các công trình phúc lợi gồm Nhà làm việc của đội, nhà trẻ mẫu giáo, nhà văn hóa, cửa hàng dịch vụ, đầu tư đường sá, điện, nước sinh hoạt phục vụ công nhân và đồng bào vùng cao su.

Ông Châu giải thích về khác biệt giữa các khu vực trồng cây cao su như ở Đông Nam Bộ, chủ yếu là đất công - tức là đất của nhà nước giao cho công ty nhà nước thực hiện. Nhưng ở Tây Bắc thì đất nhà nước thì không có, nhà nước chỉ quy hoạch phát triền vùng trồng cây cao su, người dân góp đất vào. Mỗi hộ chỉ một mẩu, hai mẩu, vào vài sào thôi, đến khi chính quyền địa phương quy hoạch thì thành liền vùng, liền khoảnh, thành đại điền.

Đây là mô hình mới, trước mắt dân góp đất bằng giá trị quyền sử dụng đất mỗi ha được tính là 10 triệu đồng. Sau này sẽ chia cổ tức cho dân trên cơ sở quyền sử dụng đất. Tập đoàn sẽ có 1 cuộc hội thảo, mời các tỉnh Tây Bắc, các nhà khoa học kỹ thuật, quản lý tham dự.

Có 2 xu hướng là chia lợi nhuận từ cổ tức, hay là chia từ sản lượng đối với người nông dân góp đất. Có nghĩa là một ha được hưởng lợi bao nhiêu phần trăm của lợi nhuận. Năm 2012 Sơn La sẽ phải xây dựng nhà máy chế biến nhựa cao su, sự hiện hữu về lợi tức của người nông dân góp đất trồng cao su sẽ được thực hiện.

Mô hình dân góp giá trị sử dụng đất

Đến thời điểm này tỉnh Sơn La đã bàn giao cho Công ty cổ phần Cao su Sơn La gần 5.900ha đất để trồng cây cao su. Số đất này được quy tính trong 4 năm (2007-2010) với tổng số 6.046 hộ góp đất. Trong đó công ty đã hoàn tất hồ sơ cổ đông cho 2.810 hộ, số đất của các hộ còn lại đang được công ty đo đạc quy chủ.

Người dân góp đất có lợi gì? Ông Vũ Đức Duy, Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Sơn La cho biết trước hết Công ty sử dụng đất của những hộ đóng góp để trồng cao su. Hiện tại, công ty đưa vốn, quy trình kỹ thuật tốt nhất, đưa công nghệ quản lý tốt nhất để giữ lợi cho đất, đất có đầu tư để sinh lời.

Để khuyến khích người dân góp đất trồng cao su, công ty đã áp dụng cứ mỗi ha đất góp vào thì công ty tuyển 1 lao động vào làm công nhân của công ty.

Một việc nữa mà Công ty cổ phần cao su Sơn La thực hiện đối với người dân góp đất là người dân được trồng cấy những sản phẩm phụ trên diện tích đất của họ trong quá trình cây cao su trong giai đoạn thiết kế cơ bản. Hơn nữa để người lao động gắn bó với doanh nghiệp, công ty đã cho các hộ dân góp đất vay không lấy lãi 5,4 triệu đồng để mua bò giống.

Công ty còn cho trồng xen cây ngắn ngày dưới tán lá cây cao su. Vụ thu hoạch vừa rồi có gia đình thu được thêm 20 triệu đồng từ tiền bán ngô.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần cao su Lơn La, năm 2010, đơn vị đã hỗ trợ cho 126 hộ công nhân vay vốn nuôi bò không tính lãi với số tiền 680,4 triệu đồng. Tính luỹ kế từ năm 2008 đến nay đã có trên 1.000 hộ được vay với tổng số tiền trên 5,5 tỷ đồng (vay quay vòng) ứng với 1.004 con trâu bò để nuôi nhốt tại chuồng. Công ty còn cho công nhân cắt cỏ mà công ty trồng xen dưới tán lá cao su. Diện tích trồng xen trong vườn cao su trong 6 tháng đầu năm nay là 2.100 ha chủ yếu là trồng ngô, lúa, bông, đậu đỗ và trồng cỏ cho chăn nuôi gia súc.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình phát triển cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc ngay sau đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2010, đầu năm 2011, ở Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng cơ cấu giống đa dạng, chất lượng cây giống tốt, có tốc độ sinh trưởng nhanh, có khả năng chịu lạnh, tỷ lệ sống đạt 97%, đường vành thân cây cao su trồng năm 2007 bình quân 35,5 cm, ngang bằng với những vùng cao su ở phía Nam cùng tuổi cây. Diện tích cao su bị thiệt hại ở Sơn La chỉ có 76 ha, chiếm 1,4% tổng diện tích đã trồng trong thời điểm khảo sát.

Các chuyên gia về cây cao su còn khuyến cáo, cao su ở Tây bắc trồng ở độ cao dưới 600m so với mặt nước biển là phù hợp. Theo đó phải có tính toán kỹ về cơ cấu giống gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể, đào tạo nghề cho người lao động để phát triển cao su ở Tây Bắc bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao mức sống của người dân đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Bắc./.

Điêu Chính Tới (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục