Ghi tại điểm bầu cử lưu động cửa khẩu Nam Giang

Vượt 40km đường rừng khó khăn, 1.300 công nhân viên công trường thủy điện Sekaman 3 vẫn kịp về bầu cử tại trạm cửa khẩu Nam Giang.
Vượt hơn 40km đường rừng, gần 1.300 công nhân viên đang làm việc trên công trường thủy điện Sekaman 3 đóng tại tỉnh Sekong (Lào) đã kịp về bầu cử ngay tại trạm cửa khẩu Nam Giang (thuộc Đồn Biên phòng 657, nằm trên xã La Dêê, huyện Nam Giang, Quảng Nam) mang theo nhiều cảm giác mới lạ.

Con đường biên giới vốn đã cách trở, khó khăn, nay lại thêm phần lầy lội bởi những cơn mưa thường xuyên trong vài ngày gần đây. Thế nhưng, những công nhân vẫn không quản đường xa, lặn lội về ngay cửa khẩu để thực hiện nghĩa vụ công dân của mình.

Được sự cho phép của Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam, Ủy ban bầu cử xã La Dêê đã thành lập điểm bầu cử lưu động ngay tại cửa khẩu Nam Giang để tạo điều kiện cho công nhân viên làm việc ở công trường thủy điện Sekaman 3 thực hiện quyền công dân của mình.

Đây là điểm bầu cử lưu động thuộc đơn vị bầu cử số 1, thôn Đắc Ốc (xã La Dêê, Nam Giang), cách công trường thủy điện gần 40km. Con đường biên giới vốn đã cách trở, khó khăn, nay lại thêm phần lầy lội bởi những cơn mưa thường xuyên trong vài ngày gần đây. Thế nhưng, những công nhân vẫn không quản đường xa, lặn lội về ngay cửa khẩu để thực hiện nghĩa vụ của mình. Vì là khách vãng lai, nên những công nhân viên này chỉ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội.

8 giờ sáng, những công nhân này mới có thể đến được nơi để tham gia bầu cử. Chia sẻ về điều này, ông Phạm Văn Kiểm, Giám đốc điều hành Dự án Sekaman 3 cho biết công nhân đến muộn một phần là do anh chị em ở rải rác nhiều khu vực trên công trường; một phần là bởi có nhiều công nhân làm ca 3 nên phải đợi họ hoàn thành công việc của ca trực và ăn uống xong xuôi rồi mới có thể tiến hành di chuyển đến điểm bầu cử. Hiện tại, công trường đang ngổn ngang nhiều phần việc để làm kịp tiến độ cuối năm đưa vào sử dụng công trình nhưng công ty sẽ tạo mọi điều kiện để anh chị em công nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Công ty bố trí 10 chiếc xe buýt để vận chuyển những công nhân này từ công trường về cửa khẩu Nam Giang để tham gia bầu cử sớm. Họ háo hức, vui mừng vì dù làm việc ở xa quê hương nhưng vẫn tự tay bỏ phiếu bầu người đại diện cho quyền lợi của mình.

Lần đầu tham gia bầu cử, Nguyễn Đình Ân, sinh năm 1992, quê ở Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An bộc bạch: lần bầu cử, tôi đã đọc, nghiên cứu rất kỹ các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016. Họ đều là những ứng cử viên có trình độ, bằng cấp cao, đáp ứng được nhu cầu của dân. Qua đó, tôi cũng đã bầu chọn người đại diện cho mình để đưa tiếng nói của mình tới các cấp có thẩm quyền. Hy vọng họ sẽ làm tốt vai trò được người dân tin tưởng giao phó, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm cho lực lượng lao động thanh niên nông thôn.

Anh Bùi Văn Giám (sinh năm 1977), quê ở Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam cho biết trước khi bầu cử, các công nhân đều được cán bộ trong công ty tuyên truyền, hướng dẫn về Luật bầu cử, quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri.

"Đã nhiều lần đi bỏ phiếu nhưng đây lại là lần đầu tiên được bỏ phiếu tại nơi biên giới Tổ quốc để bầu người đại diện quyền lợi của mình, cảm giác rất khó tả. Tôi thực sự xúc động, cảm thấy mình được trân trọng và tràn đầy tự hào, lạc quan về sự phát triển của quê hương, đất nước."  - Anh Giám tâm sự.

Một điều đặc biệt ở điểm bầu cử này là sự xuất hiện của những cặp vợ chồng cùng làm việc trên công trường thủy điện Sekaman 3. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải, quê ở Thanh Khê, Thanh Chương, Nghệ An, rất phấn khởi khi cùng anh em về lại biên giới quê hương làm nghĩa vụ công dân của mình.

Anh Hải hồ hởi nói: “Vui lắm các anh chị ạ! Đi làm xa quê bấy lâu nay, giờ được đứng trên mảnh đất quê hương mình để tham gia bầu cử, cảm giác thật là ấm áp. Được thực hiện nghĩa vụ công dân tại nơi biên cương của Tổ quốc, điều đó trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.” Đây cũng là dịp để tự hào rằng, dù ở đâu, mình có làm công việc như thế nào, nhưng vẫn được Đảng, Nhà nước quan tâm để công dân mình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Ai cũng như ai, đều mong muốn chọn được một người thật sự xứng đáng để đại diện cho quyền lợi của mình và nhân dân” chị Phan Thị Hải - vợ anh xúc động nói.

Theo ông Blúp Vớt, Chủ tịch xã La Dêê, Trong những ngày qua, để làm tốt công tác bầu cử trên địa bàn, xã đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện và Bộ đội Biên phòng đồn 657 chuẩn bị một cách chu đáo, kỹ lưỡng, dự trù được những khó khăn phát sinh trong quá trình bầu cử. Thành công trong việc tổ chức bầu cử sớm là một nhiệm vụ rất quan trọng, không kém phần khó khăn. Xác định được điều đó nên những cán bộ chuyên trách đã nỗ lực hết mình để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là việc cam kết với Ban quản lý Dự án thủy điện Sekaman 3 đưa công nhân viên về bầu cử ngay trên địa bàn xã sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của công dân Việt Nam.

Đến 12 giờ 15 cùng ngày, 100% cử tri theo danh sách đăng ký (công nhân trên công trường thủy điện Sekaman 3) đã hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình tại điểm bỏ phiếu lưu động ở Trạm cửa khẩu Nam Giang./.

Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục