Triều Tiên triển khai máy bay tiêm kích gần điểm phóng vệ tinh

Hãng thông tấn Yonhap ngày 2/4 đưa tin Triều Tiên đã triển khai một phi đội máy bay tiêm kích MiG-23 tới gần địa điểm dự kiến phóng tên lửa ở Đông Bắc nước này.

Hãng thông tấn Yonhap ngày 2/4 đưa tin Triều Tiên đã triển khai một phi đội máy bay tiêm kích MiG-23 tới gần địa điểm dự kiến phóng tên lửa ở Đông Bắc nước này.

Yonhap dẫn một nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc tiết lộ Triều Tiên đã triển khai một phi đội máy bay MiG-23 tới gần bờ biển phía Đông từ căn cứ không quân ở tỉnh Hamkyong Bắc. Địa điểm triển khai các máy bay này được cho là căn cứ không quân Eorang, cách Hwandaegun - nơi có bãi phóng thử tên lửa, không xa.
 
Theo Yonhap, một nguồn tin khác cho rằng việc triển khai các máy bay này dường như để đối phó với động thái của Nhật Bản chuẩn bị phá hủy tên lửa của Triều Tiên hay các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản trong trường hợp vụ phóng tên lửa của Triều Tiên thất bại.
 
Trong khi đó, ngày 2/4, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Takeo Kawamura cho biết nước này có ý định kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế hiện nay đối với Triều Tiên thêm một năm nữa thay vì sáu tháng, nếu Bình Nhưỡng tiến hành phóng tên lửa đạn đạo.
 
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Kawamura  nói rằng bằng cách kéo dài các biện pháp trừng phạt, Nhật Bản "muốn tăng cường lập trường trong việc tìm kiếm tiến triển đối thoại với Triều Tiên".
 
Nhật Bản đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa đạn đạo hồi tháng 7/2006 và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu từ Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân vào tháng 10/2006. Các biện pháp trừng phạt này được gia hạn sáu tháng một lần, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 13/4 tới. Theo dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ thông qua quyết định kéo dài các lệnh trừng phạt Triều Tiên tại cuộc họp nội các vào ngày 10/4 tới.
 
Nhật báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 2/4 đưa tin nước này quyết định sẽ tham gia đầy đủ vào Sáng kiến an ninh phổ biến (PSI) - cơ chế toàn cầu do Mỹ khởi xướng nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí - nếu Triều Tiên tiến hành kế hoạch phóng tên lửa theo dự kiến từ ngày 4-8/4 tới.
 
Báo trên dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên nói "chúng tôi dự định thông báo với Mỹ về việc tham gia đầy đủ vào PSI ngay sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa".
 
PSI do Tổng thống Mỹ George Bush khởi xướng từ năm 2003 nhằm ngăn chặn hoạt động chuyển giao vũ khí và công nghệ chế tạo vũ khí bị cấm.
 
Trong một diễn biến khác liên quan đến quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, báo "The Korea Herald" cho biết nhân viên Hàn Quốc bị Triều Tiên bắt giữ tiếp tục bị thẩm vấn trong ngày thứ ba và Triều Tiên đã từ chối trả lời yêu cầu của Chính phủ Hàn Quốc về việc cho phép tiếp xúc với nhân viên này.
 
Trước khi bắt giữ công dân Hàn Quốc trên, Triều Tiên đã bắt hai nữ nhà báo Mỹ ở biên giới giáp Trung quốc và thông báo chuẩn bị đưa hai người này ra xét xử với tội danh xâm nhập biên giới trái phép và có hành vi thù địch chống nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
 
Nhận định về những động thái trên của Triều Tiên, ông Cheong Seong-chang, Giám đốc Chương trình nghiên cứu về quan hệ liên Triều thuộc Học viện Sejong cho rằng Triều Tiên dường như đang sử dụng hai vụ bắt giữ này để gây thêm sức ép với Hàn Quốc và Mỹ. Ông cho rằng rất có thể Triều Tiên sẽ thả các công dân Mỹ và Hàn Quốc trước vụ thử tên lửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục