ADB: Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,5% năm 2009

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 là 4,5%, thấp hơn so với những dự báo trước đó của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (4,75%) và Ngân hàng Thế giới (5,5%).

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 là 4,5%, thấp hơn so với những dự báo trước đó của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (4,75%) và Ngân hàng Thế giới (5,5%).
 
Mức 4,5% là vừa phải khi so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực và châu Á khác “nơi tăng trưởng được ADB dự đoán chỉ đạt 3,4% năm nay và phục hồi 6,1% năm 2010,” nhà kinh tế Bahodir Ganiev phát biểu tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tổ chức ở Hà Nội sáng 31/3.
 
Theo ADB, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% trong năm 2010, cao hơn nhiều so với nhiều dự đoán của các tổ chức có uy tín khác như Ngân hàng Standard Chartered, với mức dự báo là 5,5% năm 2010 và 6% năm 2011.
 
Cơ sở của dự đoán này được ADB xây dựng trên giả định rằng Việt Nam sẽ thực hiện thêm một số biện pháp kích thích tài chính bên cạnh các biện pháp đã được thông qua trong tổng số 1 tỷ USD năm 2009. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước  Việt Nam sẽ duy trì chính sách tiền tệ tương đối nới lỏng, chừng nào lạm phát vẫn được giữ ở mức thấp.
 
Thâm hụt tài khoá năm 2009 của Việt Nam được ADB dự đoán sẽ tăng lên 9,8% GDP, phần lớn là do sự suy giảm trong nguồn thu từ dầu mỏ và việc giảm thuế suất cơ bản của thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống 25%.
 
Tuy vây, lạm phát bình quân theo hàng năm được cho là sẽ giảm xuống mức 4% trong năm 2009 do GDP sẽ ở dưới mức tiềm năng và giá cả hàng hóa thế giới dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm ngoái.
 
Theo ông Bahodir, khi kinh tế phục hồi vào năm 2010, thâm hụt tài khoản vãng lai cũng sẽ giảm xuống còn 9,7% GDP so với mức 11,5% năm nay.
 
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Ayumi Konishi cho rằng “thách thức trong ngắn hạn đối với Việt Nam là phải hạn chế sự tăng trưởng chậm trong khi vẫn kiểm soát được thâm hụt tài chính và thâm hụt tài khoản vãng lai”.
 
Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á, để đạt được sự cân bằng trên, chính phủ cần đặc biệt cẩn trọng khi áp dụng những biện pháp kích thích tài chính bổ sung và tránh chi tiêu vào những dự án đầu tư nhà nước có hiệu suất thu hồi thấp.
 
Bản bản cáo cũng đưa ra cái nhìn lạc quan khi cho rằng trong trung hạn, tăng trưởng GDP của Việt Nam nhiều khả năng sẽ phục hồi ở mức 7-7,5% do dòng vốn FDI sẽ phục hồi trong năm 2010.
 
“Quyết định của chính phủ vào tháng 10/2008 cho phép cổ phần hóa toàn bộ một số doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt thông qua việc bán chúng cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều khả năng sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI chảy mạnh hơn nữa,” Bahodir viết trong bản báo cáo./.
 
Việt Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục