Mũ rẻ, “mẻ” đầu

Ham mũ giá rẻ, có ngày “mẻ” đầu như chơi

Chỉ cần bỏ ra 30.000 đồng, khách có thể mua được một chiếc mũ bảo hiểm bắt mắt và kèm theo đó là một loạt... nguy cơ tiềm tàng.
Cầm trên tay chiếc mũ vừa mua xong, mẫu mã đẹp, anh Nguyễn Huy Toàn tươi cười nói: “Chỉ 30.000 đồng một cái, tôi mua luôn 2 chiếc về dùng”.

Đây là những chiếc mũ bảo hiểm giá rẻ nhưng chất lượng kém đang được bày bán trên nhiều tuyến phố Hà Nội.

Theo Tiến Sĩ Trần Thị Ngọc Lan, Bộ Y tế: “Trong số các bệnh nhân bị chấn thương sọ não, tỉ lệ trường hợp đội mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc bị tai nạn giao thông 15,9%, tỷ lệ cao nhất ở lứa tuổi 20 -59 chiếm chủ yếu với 70,6%”.

Những chiếc mũ bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn cho người tham gia giao thông, nhưng giá rẻ và đẹp nên vẫn hút được khách hàng.

Cửa hàng mũ di động

Thị trường mũ bảo hiểm trong mấy tháng trở lại đây đang có xu hướng bão hòa, nhưng những sản phẩm mũ bảo hiểm giá rẻ với 30 nghìn/chiếc vẫn hút được người tiêu dùng.

Đồ nghề bán hàng khá đơn giản. Chỉ cần đôi thúng lớn, dăm chục chiếc mũ màu mè bắt mắt, tấm ni lông che bụi và một bảng giá viết tay là một cửa hàng “mũ di động” được hình thành.

Quy trình ấy giản đơn đến nỗi những thúng, mủng, xe… bán mũ bỗng dưng mọc lên nhiều như nấm sau mưa. Chỗ nào tiện, người ta bày bán: từ đoạn đường Phạm Hùng (trước cửa siêu thị Big C) đến các phố Khâm Thiên, Thái Hà, Chùa Bộc…

Trên tuyến phố Chùa Bộc, chủ cửa hàng còn treo cả mũ lên tường, dưới vỉa hè những tấm ni lông được trải rộng ra để bày bán mũ cho khách hàng. Từng chiếc mũ với đủ kiểu dáng đảm bảo cho người tiên dùng có thể thoải mái lựa chọn.

Nhiều điểm bán mũ chỉ cần một chiếc xe máy, sau đuôi xe dựng một tấm phên đan bằng tre có gắn móc treo mũ là có thể trở thành một điểm bày bán dọc trên các tuyến phố.

Thậm chí, giới buôn mũ còn ngang nhiên “tọa lạc” giữa đường ray ngã tư Khâm Thiên – Lê Duẩn.

Đỗ xịch chiếc xe ngay dưới lòng đường, anh Nguyễn Văn Thái, Thanh Xuân – Hà Nội cúi xuống lựa chọn một chiếc mũ phù hợp với sở thích của mình. “30 nghìn một cái, kiểu dáng cũng được, mà giá cả lại rẻ nên tôi mua về dùng tạm. Mũ nào cũng có dán tem nhưng tôi không biết tem nào là thật nên cứ mua cái thời trang”, anh Toàn nói.

Chị Nguyễn Thị Hào, Ô Chợ Dừa, Hà Nội cho biết: “Tôi chọn mũ bảo hiểm theo tiêu chí vừa rẻ, vừa đẹp”.

Chị Nguyễn Thị Thanh, bán mũ trên đường Khâm Thiên ngồi sát lề đường, bên cạnh chỉ có hai chiếc thúng bé và một chiếc quang gánh, nhưng bên trong lại đựng mũ bảo hiểm màu sắc kiểu dáng đẹp để khách có thể chọn lựa.

“Với 30 nghìn/cái, bình quân mỗi ngày tôi cũng bán được gần 10 cái. Khách hàng chỉ chú trọng đến mẫu mã sản phẩm còn chất lượng như thế nào thì rất ít người để mắt tới”, chị Thanh nói.

Cũng theo chị Thanh,  những sản phẩm mũ bảo hiểm của chị được lấy từ các chợ và các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm lớn. Còn các khâu của quy trình sản xuất thì chị không nắm rõ.

Theo quan sát của phóng viên, những chiếc mũ bảo hiểm giá rẻ này nhìn không khác những chiếc mũ đủ tiêu chuẩn. Bên trong vẫn có 2 lớp là lưới và xốp. Bọc bên ngoài là lớp nhựa cứng cùng với tem nhãn mác tiêu chuẩn.

Rẻ, đẹp và...ôi!

"Chất lượng không thể song hành", đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Duy Trinh – cán bộ, chuyên gia phòng TC1 – Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam.

“Có rất nhiều người bị tai nạn giao thông gây nên những chấn thương nghiêm trọng ở đầu bởi mũ bảo hiểm giá rẻ không có khả năng bảo vệ khi xảy ra các va đập lớn trên đường”, ông Trinh nói.

Ông Trinh cũng cho biết thêm: “Hiện tại có rất nhiều các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm kém chất lượng. Nhưng với giá 30 nghìn/cái thì không biết các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp thu lãi được bao nhiêu”.

Cũng theo ông Trinh, các cơ sở sản xuất đã sử dụng hoặc pha trộn các nguyên vật liệu nhựa, xốp và giảm bớt các khâu của quy trình sản xuất để có thể đảm bảo lợi nhuận.

“Các loại mũ bảo hiểm, muốn đảm bảo chất lượng phải được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thử nghiệm chịu sự va đập và độ an toàn của sản phẩm. Sau đó, Cục quản lý thị trường sẽ cấp giấy phép và tem nhãn cho sản phẩm. Mũ đủ tiêu chuẩn chất lượng rồi mới được đưa ra thị trường”, ông Trinh nói.

Chứng kiến những vụ tai nạn vì mũ bảo hiểm, anh Hoàng Văn Hải, hành nghề xe ôm Thanh Xuân cho biết: “Nhiều người bị ngã xe đập đầu xuống đường, mũ vỡ và nứt tung ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng đầu. Thế nhưng, mọi người vẫn còn coi thường tính mạng của mình bởi những chiếc mũ kém chất lượng”.

“Mũ giá rẻ, không đảm bảo an toàn, đi đường rất nguy hiểm đến tính mạng khi xảy ra tai nạn”, anh Hải nói thêm.

Ông Trinh cũng cho rằng, người tiêu dùng tốt nhất là nên đến các cửa hàng chính hãng hoặc các đại lý buôn bán mũ bảo hiểm lớn thì mũ bảo hiểm mới đảm bảo chất lượng, tránh hàng nhái và tem giả.

Mặt khác, với những đồ nghề bán hàng thô sơ thì việc các cơ quan chức năng kiểm soát và bắt giữ các địa điểm kinh doanh mũ cũng rất khó khăn. 

Phải chăng, với tâm lý mua giá rẻ, mẫu mã bắt mắt còn chất lượng và độ an toàn của sản phẩm chưa được chú trọng thì người tiêu dùng đang “tiếp tay” cho mũ bảo hiểm giá rẻ kém chất lượng?

Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục