APG: VN cần mạnh tay với rửa tiền, tài trợ khủng bố

APG cam kết hỗ trợ Việt Nam để sớm xây dựng khung pháp luật về phòng chống các hoạt động rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.
Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương (APG)  khuyến cáo Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp cũng như thiết lập chế tài phòng chống các hoạt động rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

Theo Thanh tra Giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), APG đã cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Đây là một trong những nội dung chính của Đoàn cấp cao Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương (APG) do Chủ tịch APG, ông Arun Mathur làm Trưởng đoàn cùng các thành viên là ông Gordon Hook - Tổng Thư ký APG, ông Chris Batt - Cố vấn về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của Văn phòng phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC), trong chuyến thăm và làm việc 3 ngày tại Việt Nam vừa qua (1-3/2/20012).

Trên cơ sở làm việc với đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và  Ngân hàng Nhà nước, đoàn công tác của APG đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc hình sự hóa tội rửa tiền và ban hành các thông tư hướng dẫn chống rửa tiền như Thông tư 148/2010/TT-BTC ngày 24/9/2010 của Bộ Tài chính, Thông tư 12/2011/TT-BXD ngày 01/9/2011 của Bộ Xây dựng, Thông tư 41/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011của Ngân hàng Nhà nước...

Tuy nhiên, APG cũng khuyến nghị Việt Nam cần sớm ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống khủng bố để có cơ chế niêm phong, phong tỏa các quỹ được sử dụng cho tài trợ khủng bố; hình sự hóa pháp nhân, thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế; xem lại vấn đề bảo lưu dẫn độ trong việc phê chuẩn Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước Palermo)...

Các chuyên gia cũng đã chỉ ra những hậu quả đối với nền kinh tế nếu Việt Nam không thực hiện đúng thời hạn các hành động đã cam kết. Bên cạnh đó, APG cũng cam kết sẽ xem xét nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật của Việt Nam trong công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố nhằm tìm kiếm các nhà tài trợ cho Việt Nam trong vấn đề này.

Việt Nam là thành viên thứ 34 của APG từ tháng 5/2007. Sau khi gia nhập APG, năm 2008, Việt Nam được APG đánh giá toàn diện về cơ chế chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Căn cứ vào kết quả đánh giá của APG, FATF đã rà soát lại và đưa Việt Nam vào Danh sách 3 - Danh sách các nước có thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, chịu sự giám sát liên tục của Nhóm xem xét các vấn đề hợp tác quốc tế (ICRG) thuộc FATF. Để khắc phục tình trạng này, FATF đưa ra Kế hoạch hành động gồm 24 nội dung và yêu cầu Việt Nam phải thực hiện trong thời hạn 1 năm kể từ tháng 10/2010./.

P.V (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục