Chưa thể thoát suy thoái

IMF dự báo Hy Lạp chưa thể thoát khỏi suy thoái

IMF cảnh báo Hy Lạp chưa thể thoát khỏi suy thoái kinh tế, thậm chí nền kinh tế này còn phải trải qua một cuộc suy thoái trầm trọng hơn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 13/7 khẳng định Hy Lạp cần có thêm gói cứu trợ khoảng 100 tỷ euro (gần 150 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) và các nhà cho vay tư nhân để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Trong báo cáo đề cập đến việc cứu trợ Athens, IMF cho biết thể chế tài chính đa phương này sẽ tiếp tục thực hiện chương trình cứu trợ tài chính cho Hy Lạp, song cảnh báo nước này sẽ trải qua một cuộc suy thoái trầm trọng hơn trong năm 2011 với nền kinh tế được dự báo sẽ giảm tới 3,9% GDP, cao hơn nhiều so với ước tính 3% trước đó.

Mặc dù Athens đã đáp ứng được một số tiêu chí trong chương trình khắc khổ theo yêu cầu của EU và IMF, nhưng núi nợ khổng lồ 350 tỷ euro vẫn đang được xem là thách thức lớn đối với nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn này. Thể chế tài chính trên thừa nhận Aten cần có gói cứu trợ mới để hỗ trợ cho chương trình "thắt lưng buộc bụng" vừa được Quốc hội thông qua tháng trước.

Trong gói cứu trợ ước tính hơn 104 tỷ euro, 71 tỷ euro sẽ được huy động từ các nguồn tài chính của EU, 33 tỷ euro còn lại sẽ do các ngân hàng và các cơ quan tín dụng khác thuộc khu vực tư nhân đảm trách.

Việc cơ quan đánh giá tín dụng Fitch ngày 13/7 tiếp tục đánh tụt 3 bậc xếp hạng tín dụng của Hy Lạp từ B+ xuống CCC được xem là một trong những lý do khiến các nhà lãnh đạo châu Âu đề cập đến việc tổ chức ngay Hội nghị thượng đỉnh bất thường nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Quyết định của Fitch được đưa ra do cơ quan này chưa nhận được thông tin nào về chương trình cứu trợ mới của EU và IMF đối với Hy Lạp, cũng như chưa chắc chắn về vai trò của các nhà đầu tư tư nhân trong bất kỳ gói cứu trợ nào. Fitch cho rằng bất kỳ chương trình cứu trợ mới nào cũng đều phải dựa trên những chính sách đáng tin cậy.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao cho rằng khó có thể tổ chức Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU vào cuối tuần này do Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phản đối mạnh mẽ.

Theo các nhà ngoại giao, nguyên nhân chính khiến cuộc họp này chưa thể diễn ra là do các nhà lãnh đạo tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) chưa thu hẹp được những bất đồng lớn về gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, trong khi một số nước khác cũng chưa sẵn sàng gặp nhau khi chưa giải quyết được những vấn đề riêng.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, ngày 13/7, IMF đã kêu gọi Italia sớm thực hiện cắt giảm nợ công trong bối cảnh quốc hội nước này dự kiến thông qua kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" có tổng giá trị 48 tỷ euro (67 tỷ USD) nhằm trấn an các mối quan ngại trên thị trường.

Trong bản đánh giá hàng năm về nền kinh tế Italia, IMF đã hoan nghênh các kế hoạch của Chính phủ Italy nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3% GDP vào năm 2012 và còn gần 0% vào năm 2014. Tuy nhiên, IMF bày tỏ quan ngại rằng kế hoạch điều chỉnh kinh tế của Italy dường như quá lạc quan về hiệu quả của các biện pháp củng cố tài chính đối với tăng trưởng.

Italy đang phải vật lộn để duy trì nợ công của nước này ở mức dưới 120% GDP và hiện là nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thuộc diện thấp nhất thế giới.

Theo IMF, nếu không có sự điều chỉnh tài chính sau năm 2012, nợ công của Italy về dài hạn vẫn có thể ở mức trên 100% GDP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục