Khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong ngày họp đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Người cao tuổi.
Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII.

Ủy ban Thường vụ sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Người cao tuổi và Luật Dân quân tự vệ. Ủy ban cũng cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009; việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách đối với số lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng; Đề án Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2015 và tầm nhìn 2020.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án Quân sự trung ương; Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thay đổi thành viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Quân sự trung ương...

Trong sáng 16/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Người cao tuổi.

Tên gọi của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Đại biểu Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng căn cứ vào đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật là người khám bệnh, chữa bệnh thì tên gọi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là phù hợp.

Nếu tên gọi là Luật Hành nghề y thì phạm vi chỉ bó hẹp một vấn đề là không phù hợp. Đại biểu Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng tán thành với quan điểm tên gọi của Dự án Luật là Luật khám bệnh, chữa bệnh vì phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, bao hàm các vấn đề hành nghề y và các vấn đề khác.

Trái với quan điểm này, đại biểu Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, và Trần Thế Vượng, Trưởng ban dân nguyện, đề nghị tên của Dự án Luật là Hành nghề y. Nếu lấy tên là Luật Hành nghề y sẽ tạo hành lang pháp lý không chỉ giải quyết một số vướng mắc hiện nay trong hoạt động khám chữa bệnh, vấn đề chưa có văn bản luật nào quy định đầy đủ mà còn tập trung điều chỉnh một nội dung quan trọng đó là việc hành nghề của cán bộ y tế trong mối quan hệ với người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, nhà nước và xã hội.

Do đó, đối tượng điều chỉnh được mở rộng toàn diện với cả cán bộ làm công tác y tế dự phòng, trang thiết bị y tế và khám chữa bệnh trong khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh chỉ có thể điều chỉnh đối với cán bộ y tế làm công tác khám chữa bệnh.

Về cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh, đa số y kiến của các đại biểu tán thành quy định theo hướng cấp chứng chỉ và giấy phép hoạt động một lần; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước sau khi cấp chứng chỉ và giấy phép.

Đa số ý kiến của các đại biểu đồng tình với quy định theo hướng cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm thêm ngoài giờ để tận dụng được chất xám, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức ngành y; đồng thời giảm tải tại các bệnh viện công.

Thời gian còn lại của buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Người cao tuổi./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục