Hội thảo quốc tế về vật liệu xây dựng thông minh

Hiện nay nhiều nước đã chuyển đổi sang sản xuất vật liệu xây không nung nhưng tại Việt Nam đây vẫn là giai đoạn “khởi động.”
Vật liệu và công nghệ xây dựng thông minh để phát triển đô thị bền vững là chủ đề chính của Hội thảo quốc tế do Bộ Xây dựng và Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Sỹ phối hợp tổ chức tại Hạ Long (Quảng Ninh).

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết hiện nay nhiều nước trên thế giới đã chuyển đổi công nghệ sản xuất từ vật liệu nung sang vật liệu xây không nung nhưng tại Việt Nam đây vẫn là giai đoạn “khởi động.”

Các đại biểu tham dự hội nghị đều khẳng định việc từng bước thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, quá trình sản xuất vật liệu xây không nung còn góp phần tiêu thụ một phần đáng kể phế thải từ một số ngành khác như nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng... góp phần thiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cũng như chi phí xử lý phế thải.

Hiện nay, nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước vẫn tiếp tục tăng nhanh với mức dự kiến vào các năm 2010, 2015, 2020 sẽ tương ứng khoảng 25-32-42 tỷ viên quy tiêu chuẩn.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc, để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung sẽ tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp với độ sâu khai thác khoảng 2m cùng lượng nhiên liệu tiêu tốn khoảng 150.000 tấn than.

Việc sản xuất này sẽ thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng kính cùng nhiều khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Nếu đem những con số này nhân lên với sản lượng gạch theo nhu cầu tiêu thụ thì sẽ tiêu tốn hàng nghìn ha đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia; đồng thời gây tác động xấu đến môi trường. Đây cũng là yếu tố kìm hãm sự phát triển ngành vật liệu xây dựng theo hướng công nghiệp hóa.

Để phát triển vật liệu xây không nung, Bộ Xây dựng đã lập “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020.” Theo lộ trình đã được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, tỷ lệ vật liệu xây không nung trên tổng số vật liệu xây vào các năm 2010 sẽ là 10% để đến năm 2015 tăng lên từ 20-25% và bứt phá vào năm 2020 với 30 đến 40%.

Do đó, từ nay đến năm 2020, số lượng dây chuyền sản xuất các sản phẩm vật liệu xây không nung sẽ tiếp tục được đầu tư tăng với khoảng 1.300 nhà máy sản xuất gạch ximăng - cốt liệu và 35 nhà máy gạch bêtông bọt và gạch bêtông khí chưng áp./.

Thu Hằng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục