Nga và NATO bất đồng

Nga-NATO bất đồng về triển vọng thành lập AMD

Hội đồng Nga-NATO kết thúc kỳ họp cấp đại diện thường trực với nhiều bất đồng về Hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu (AMD).
Hội đồng Nga-NATO đã kết thúc kỳ họp cấp đại diện thường trực ngày 4/7 tại thành phố Sochi - Nga với nhiều bất đồng về triển vọng thành lập Hệ thống phòng thủ tên lửa chung của châu Âu (AMD) và vấn đề Libya.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Tổng Thư ký NATO Anders Fog Rasmussen đều khẳng định hiện NATO chưa đồng ý với đề nghị của Nga liên quan đến AMD, nhưng Mátxcơva cho rằng hai bên có thể tìm kiếm được các hình thức hợp tác cùng chấp nhận và sẵn sàng tiếp tục đối thoại với NATO về vấn đề này.

Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Nga ủng hộ việc thực hiện các quyết định của cuộc gặp thượng đỉnh Lisbon - Bồ Đào Nha, nơi nguyên thủ quốc gia của 29 nước tham gia Hội đồng Nga-NATO đã bày tỏ nguyện vọng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và an ninh ngang nhau.

Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại tại Hội nghị Lisbon, Nga đã đề nghị mỗi bên bảo đảm thành lập "lá chắn tên lửa" ở một khu vực thuộc lãnh thổ châu Âu-Đại Tây dương vì lợi ích của tất cả các nước châu Âu.

Trên thực tế, đề nghị này là phương án đối trọng với Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà Mỹ có kế hoạch thành lập và đang gây ra sự lo ngại sâu sắc cho Mátxcơva.

Tại kỳ họp ở Sochi, cũng giống như Mỹ, NATO cho rằng không cần thiết phải ký với Nga một cam kết có tính ràng buộc pháp lý liên quan đến việc hệ thống phòng thủ tên lửa của các bên sẽ không nhằm vào nhau.

Về phần mình, ông Rasmussen cho rằng NATO và Nga từng chính thức tuyên bố không có ý định tấn công nhau nên không cần phải ký thêm cam kết liên quan đến vấn đề này, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên có thể đạt được thỏa thuận về AMD trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Chicago (Mỹ) vào năm 2012.

Về cuộc xung đột ở Libya, Tổng Thư ký Rasmussen cho rằng hành động của NATO không đi ngược lại nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ NATO đã hành động vượt ra ngoài khuôn khổ nghị quyết này, đồng thời nhấn mạnh mọi hành động cung cấp vũ khí và cử chuyên gia giúp đỡ phe chống đối ở Libya đều vi phạm nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong khi NATO đề ra mục đích lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, thì Nga chủ trương các bên liên quan phải chấm dứt ngay chiến sự, ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục