Các làng nghề ở Hà Nội hối hả vào vụ đón Tết

Tháng cận Tết, các hộ sản xuất ở các làng nghề của Hà Nội đang phải “tăng tốc” để nhanh chóng giao hàng hóa Tết cho khách hàng.
Những chiếc xe máy, xe tải hạng nhẹ nối đuôi nhau về cất hàng, mang theo những xấp bánh đa nem, miến, quần áo, mũ và cả đồ chơi thú nhồi bông... là khung cảnh của những làng nghề thủ công truyền thống ngoại thành Hà Nội trong những ngày này. Người dân làng nghề ai nấy đều hồ hởi: “Vào vụ Tết mà, bận nhưng rất vui”...

Càng rét, càng vui

Trời càng rét, làng càng sôi động, người người, nhà nhà hối hả, khẩn trương cắt, may, hoàn thiện những chiếc áo phao, áo khoác, comple đủ kiểu để kịp giao cho khách hàng.

Gần Tết, nhu cầu mua sắm càng tăng nên phải làm cật lực mới kịp giao hàng. Nhiều người dân trong xã còn nói vui, trời càng rét, hàng càng “bán chạy” nên càng vui và càng gần Tết lại càng bận.

Ông Trần Huy Lữ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ phấn khởi cho chúng tôi biết về không khí làm nghề của làng chuyên may quần áo ấm, thú nhồi bông Tam Hiệp như vậy.

Cũng theo ông Lữ, xã Tam Hiệp có hơn 2.000 hộ dân thì có tới 90% có nghề may quần áo ấm và làm thú nhồi bông. Mỗi năm có hàng chục vạn sản phẩm quần áo mùa đông các loại và thú nhồi bông do người dân Tam Hiệp sản xuất được bày bán ở chợ, các shop, các phố thời trang, hoặc phố bán đồ chơi nổi tiếng của Thủ đô như Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân, chợ Hôm.

Bình quân, mỗi ngày, mỗi người thợ ở đây có thu nhập thấp nhất là vài trăm ngàn từ nghề may quần áo, tất, mũ, thú nhồi bông. Làm nghề cả năm, nhưng thời điểm cuối năm, thời tiết lạnh cộng với nhu cầu mua sắm cho gia đình và làm quà tặng cho người thân tăng lên, người dân Tam Hiệp mới thực sự vào vụ. Các gia đình huy động thêm lao đông, mua thêm máy cắt vải, máy may, máy thêu để kịp hoàn thành hợp đồng.

Anh chị Hoa Thái, chủ cơ sở may Hoa Thái nổi tiếng ở Tam Hiệp cho biết, năm nào cũng vậy, từ dịp Noel cho đến Tết Nguyên đán, các mặt hàng thú nhồi bông và quần áo ấm do người dân Tam Hiệp sản xuất đều bán rất chạy. Năm nay, mùa đông rét muộn hơn lên không khí làng nghề cũng sôi động muộn nhưng không vì thế mà hàng bán chậm.

Tháng cận Tết này gia đình anh cũng đang phải “tăng tốc” để nhanh chóng hoàn thành một số hợp đồng may áo phao, găng tay, mũ... cho khách ở các chợ khu vực nội thành Hà Nội và một số tỉnh lân cận về cất hàng.

Sản lượng tăng gấp ba, bốn lần

Đó là khẳng định của rất nhiều hộ làm nghề tráng bánh đa nem ở làng nghề Ngự Câu, xã An Thượng, hay làng làm miến Dương Liễu thuộc huyện Hoài Đức, Cự Đà (huyện Thanh Oai).

Mặc dù sản xuất quanh năm nhưng những loại hàng hóa, thực phẩm như miến dong, bánh đa nem... luôn có sức tiêu thụ tăng đột biến trong dịp Tết đến xuân về, dù giá cả có biến động lớn.

Chính vì vậy theo ông Trường thôn Ngự Câu, người làm bánh đa nem ở đây những ngày này không có được một giấc ngủ trọn đêm, vừa phải thức khuya, dậy sớm để nổi lửa tráng bánh, phơi bánh, đảo bánh rồi giao hàng cho kịp.

Năm nay cũng như mọi năm, làng nghề bánh đa nem Ngự Câu sẽ cung cấp hàng vạn xấp bánh đa nem dùng để rán giòn hoặc cuốn, gói gỏi các loại.

Theo một số hộ làm miến ở Cự Đà và bánh đa nem ở Ngự Câu, thời tiết mấy ngày gần đây ở miền Bắc cũng như ở Hà Nội có mưa phùn, trời âm u ít nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của người dân làng nghề, song họ vẫn phải khắc phục, tranh thủ trời hửng nắng để đem phơi ngay những mẻ miến vừa ra lò hoặc mẻ bánh đa nem vừa tráng.

Dù điều kiện sản xuất có khó khăn chút ít song sản lượng của nhà nào cũng phải tăng độ 5-6 lần thời điểm giữa năm.

Đặc biệt, dù giá cả nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, thuê nhân công đều tăng, nhưng những sản phẩm được chế biến từ nông sản như miến dong, bánh đa nem, giá sẽ không tăng nhiều, chỉ khoảng 10-15%, bác Trịnh Thị Hồng, thợ làm miến có thâm niên ở làng miến Cự Đà khẳng định./.

Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục