Phát hiện và điều trị sớm rối loạn tự kỷ ở trẻ em

Tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ Việt Nam ngày càng cao, trung bình là 1%, nhưng thường không được phát hiện sớm hoặc bị chẩn đoán nhầm.
Ngày 10/6, bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ ngày càng cao. Hiện nay, tỷ lệ mắc trung bình là 1%, cao nhất trong các bệnh lý thần kinh ở trẻ em.

Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, trong năm năm từ 2003-2007 chỉ phát hiện 324 bệnh nhân tự kỷ nhưng hiện nay trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân tự kỷ.

Đây là một bệnh lý còn khá mới đối với các bác sĩ tại Việt Nam nên thường không được chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm hoặc chẩn đoán nhầm thành các bệnh tâm thần khác.

Cũng theo bác sĩ Thanh, tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển thần kinh thường xuất hiện sớm từ khi trẻ còn trong lòng mẹ hoặc trước 3 tuổi.

Đây là một dạng rối loạn mạn tính chưa có thuốc chữa lành, tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị sớm bằng các phương pháp can thiệp tâm lý thông qua giáo dục dựa trên hành vi, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội sẽ tăng khả năng giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng.

Phụ huynh cần quan tâm để phát hiện các dấu hiệu bệnh tự kỷ ở trẻ như không tiếp xúc mắt với người khác, chơi một mình, không quan tâm chia sẻ với mọi người, thường làm một mình không cần nhờ sự giúp đỡ, không hoặc chậm nói, khó khởi xướng các câu chuyện, có những hành vi rập khuôn lặp đi lặp lại.../.

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục