Các động thái trước khi đàm phán Israel-Palestine

Trước khi đàm phán trực tiếp lần đầu tiên, Tổng thống Palestine và Thủ tướng Israel đã có cuộc gặp với ông Obama và bà Clinton.
Ngày 31/8, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và đặc phái viên Mỹ về Trung Đông, ông George Mitchell đã có các cuộc gặp với Tổng thống Palestine và Thủ tướng Israel trước khi hai nhà lãnh đạo này bước vào đàm phán trực tiếp lần đầu tiên trong gần hai năm qua.

Bà Clinton và ông Mitchell cũng gặp Ngoại trưởng Ai Cập Abu Gheit, Ngoại trưởng Jordan Abdul Ilah Khatib và đại diện của nhóm Bộ Tứ bảo trợ tiến trình hòa bình Trung Đông - cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.

Người phát ngôn Nhà Trắng Philip Crowley cho biết các cuộc gặp trên nhằm làm rõ quan điểm của các bên trước thềm đàm phán.

Ông Crowley nhấn mạnh: "Chúng tôi không chỉ muốn khởi động thành công cuộc đàm phán ngày mai, mà còn đạt đồng thuận về việc các lãnh đạo sẽ gặp nhau thường xuyên hơn."

Theo kế hoạch, trong ngày 1/9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netaniahu sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Sau đó, ba lãnh đạo sẽ cùng ăn tối tại Nhà Trắng với Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak nhằm khởi động cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine vào ngày 2/9 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ. Jordan và Ai Cập là hai nước Arập đã ký thỏa thuận hòa bình với Israel.

Các quan chức Mỹ hy vọng ít nhất hai bên sẽ đồng ý gặp nhau trong vòng đàm phán thứ hai, có thể diễn ra vào tuần thứ hai của tháng Chín này tại Ai Cập.

Sau đó sẽ là cuộc gặp ba bên dự kiến giữa Tổng thống Obama với hai lãnh đạo Israel và Palestine bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng. Thủ tướng Netaniahu trước đó cũng tỏ ý sẵn sàng gặp ông Abbas thường kỳ hai tuần một lần.

Nhận định về triển vọng cuộc đàm phán sắp tới, Tổng thống Israel Shimon Peres đã bày tỏ lạc quan.

Phát biểu tại Hội nghị người Do Thái thế giới ở Jerusalem, ông Peres cho biết Thủ tướng Netaniahu tới Washington với quyết tâm thực hiện giải pháp hai nhà nước. Về Nhà nước Palestine tương lai, ông Peres tuyên bố đó phải là một nhà nước phi quân sự, thống nhất và dân chủ.

Trong khi đó, Liên đoàn Arập (AL) bày tỏ bi quan về kết quả cuộc đàm phán ngày 2/9.

Hãng thông tấn chính thức của Ai Cập (MENA) ngày 31/8 dẫn lời Chánh văn phòng Tổng thư ký AL, ông Hesham Youssef chỉ trích lập trường của Israel khăng khăng tiếp tục các hoạt động định cư là dấu hiệu rõ ràng cho thấy đàm phán "thất bại từ trước khi bắt đầu" và "Israel rõ ràng không thực sự muốn hòa bình."

Ngay trước thềm đàm phán, một vụ nổ súng đã xảy ra tại khu định cư Do Thái ở Hebron, thuộc Bờ Tây ngày 31/8, làm bốn người Israel thiệt mạng.

Người phát ngôn của Cảnh sát Israel, ông Micky Rosenfeld cho biết đây là một trong những vụ tấn công nghiêm trọng nhất tại Bờ Tây trong những tháng qua.

Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, cánh vũ trang của Phong trào Hồi giáo Hamas, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên, tuyên bố hành động này nhằm "trả đũa sự chiếm đóng của Israel."

Trước khi lên đường tới Washington, Thủ tướng Israel Netaniahu đã ra lệnh cho lực lượng an ninh Israel khẩn trương truy tìm thủ phạm mà "không cần kiềm chế ngoại giao."

Thủ tướng Palestine Salam Fayyad đã lên án vụ tấn công xảy ra trước thềm đàm phán, cho rằng hành động này đi ngược lại những lợi ích của Palestine.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cũng kịch liệt lên án vụ tấn công.

Phát biểu tại Trung Quốc, bà Ashton nhấn mạnh rằng "những kẻ thù của hòa bình đang âm mưu phá hoại các cuộc đàm phán Trung Đông." Bà kêu gọi các bên bình tĩnh và quyết tâm đàm phán nhằm hướng tới một nền hòa bình toàn diện và bền lâu cho khu vực./.

(TTXVN/Vienam+)

Tin cùng chuyên mục