Biến đổi khí hậu gây khô hạn bất thường ở châu Âu

Tình trạng khô hạn kéo dài tại nhiều khu vực của châu Âu do biến đổi khí hậu, đặc biệt lượng mưa đã bị giảm kỷ lục xuống còn 40-80%.
Ngày 9/5, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu gây khô hạn bất thường ở châu Âu.

Theo WMO, thời kỳ khô hạn đã kéo dài ở nhiều khu vực rộng lớn ở châu Âu từ tháng 1/2011, đặc biệt lượng mưa trong ba tháng từ tháng Hai đến tháng Tư chỉ bằng từ 40-80% lượng mưa trung bình trong khoảng thời gian dài từ năm 1951-2000.

Nước Anh đã trải qua thời kỳ đặc biệt khô hạn trong tháng Ba và tháng Tư, trong đó tháng Ba là tháng khô hạn nhất so với các tháng Ba kể từ năm 1953.

Năm 2011 là một trong 10 năm khô hạn nhất ở Thụy Sĩ kể từ năm 1864. Tháng 4 2011 là một trong 10 tháng Tư khô hạn nhất ở Đức kể từ năm 1881.

Mùa Đông 2010/2011 là mùa Đông khô hạn kéo dài trên khắp khu vực Tây Âu.

Cũng theo WMO, mực nước các sông ở châu Âu xuống rất thấp, đặc biệt ở sông Rhine gây tác động lớn đến vận tải đường sông liên Âu.

Khô hạn đã gây ra nhiều đám cháy ở các khu vực cồn cát dọc theo bờ biển ở Hà Lan. Đức cũng đã phải nâng cấp báo động đến mức cao nhất nguy cơ cháy rừng ở khu vực Đông Bắc nước này.

Các nhà khí tượng WMO và châu Âu cho rằng nguyên nhân khiến khí hậu khô hạn kéo dài trên diện rộng khắp châu lục này là do vùng áp suất cao kéo dài và tồn tại dai dẳng ở Tây và Trung Âu ngăn chặn dòng khí mạnh từ Bắc Đại Tây Dương, khiến hệ khí áp thấp có thể gây mưa không thể vươn tới châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục