Doanh nghiệp điêu đứng

Doanh nghiệp bị điêu đứng vì khó khăn cộng dồn

Giá xăng dầu tăng liên tiếp và những áp lực về tỷ giá, lãi suất... khiến giá đầu vào gia tăng, doanh nghiệp ở vào thế khó khăn cộng dồn.
Giá xăng dầu tăng cao liên tiếp cùng những áp lực về tỷ giá, lãi suất, vật tư... đang khiến giá cả đầu vào gia tăng, doanh nghiệp ở vào thế khó khăn cộng dồn. Chỉ tính riêng xăng dầu, tính chung cả hai đợt tăng giá gần đây, từ cuối tháng hai đến nay, giá xăng đã tăng thêm gần 30%, giá dầu diezen tăng 43%.

Áp lực từ sốt giá “vàng đen”

Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, giá xăng dầu tăng đang tác động một cách trực tiếp hoặc liên đới đến tất cả các ngành hàng, từ sản xuất đến tiêu dùng.

Dù ngành vận tại luôn được đánh giá là lĩnh vực bị hứng chịu tác động lớn nhất, nhưng những ngành sản xuất công nghiệp nặng, xây dựng công trình, khai thác mỏ... thì mức ảnh hưởng cũng không phải nhỏ.

Cụ thể hơn, Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cavico cho biết, phí vận chuyển chiếm từ 30% đến 50% tới chi phí đầu vào của ngành thi công công trình, do đó việc xăng dầu tăng giá chi phối khá mạnh đến giá thành công trình.

Đối với ngành thép, mức độ tác động có phần nhẹ hơn. Theo  ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, đợt tăng giá xăng dầu tại tháng 3 này khiến giá thành mỗi tấn thép tăng khoảng 50.000 đồng đến 60.000 đồng.

"Nếu so sánh với giá bán thép hiện nay, sự chi phối là không lớn lắm. Song sự ảnh hưởng lại ở yếu tố khác, đó là mức độ tiêu thụ thép trên thị trường đang sụt giảm mạnh. Nếu như tổng khối lượng toàn ngành thép cung cấp ra thị trường trong tháng Hai là 470 nghìn tấn, thì tháng Ba chỉ còn 350 nghìn tấn. Dự báo sản xuất của ngành trong tháng Tư sẽ còn tiếp tục giảm,” ông Cường nhận định.

Đại diện một doanh nghiệp thuộc ngành này, ông Đặng Minh Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà, than phiền rằng khi giá xăng, dầu tăng, ngay lập tức trên thị trường tạo ra tâm lý đẩy giá các loại nguyên vật liệu tăng theo, gây tác động gián tiếp đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.

“Khó khăn lớn nhất là trong khâu quản trị chi phí, vì giá cả đầu vào biến động, khó kiểm soát,” ông Quang nói.

Tuy nhiên, đứng trước áp lực sốt giá “vàng đen,” hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thức được rằng đây là vấn đề tất yếu, do yếu tố khách quan.

Đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Cao Sĩ Kiêm khẳng định, mặc dù doanh nghiệp rất khó khăn song tất cả đều hiểu rằng Việt Nam đang dần tiến đến nền kinh tế thị trường một cách mạnh mẽ hơn.Vì vậy, rất cần thiết phải đưa các mức giá lên dần theo thông lệ quốc tế, không thể bao cấp tiếp được nữa. Việc o bế mãi sẽ tạo ra những “ung nhọt” và đến lúc nào đó nó vỡ ra sẽ làm đảo lộn nền kinh tế.

“Thời điểm này cần thiết phải co dần những chính sách hỗ trợ, tiến dần tới các thông lệ quốc tế, nhằm phản ảnh thực chất nền sản xuất kinh doanh. Khi đó nền kinh tế mới có sức cạnh tranh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững,” ông Kiêm nói.

Thử thách rất cam go

Nhưng việc xăng dầu tăng giá là chỉ là một yếu tố rất nhỏ trong rất nhiều áp lực đang dồn lên doanh nghiệp. Theo ông Kiêm, cùng một lúc lãi suất, tỷ giá, giá vật tư nhập khẩu, giá điện tăng ... cộng dồn lại, đẩy giá thành lên một mặt bằng mới với mức tăng rất cao, chi phối rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng trước một thử thách rất cam go.

“Chi phí đầu vào hiện đang phải 'đội' lên từ 15% đến 20%. Khó khăn ở chỗ, đầu ra không thể tăng tương ứng bởi thị trường không thể chấp nhận được ngay, đó là chưa kể đến áp lực cạnh tranh. Do vậy, không thể muốn là tăng giá bán ngay được," ông Quang nói.

So với thời điểm năm 2008, khi nền kinh tế thế giới rơi vào tình hình khủng hoảng và kinh tế trong nước khó khăn thì các doanh nghiệp và các nhà phân tích kinh tế cho rằng, tình hình hiện nay còn căng thẳng hơn nhiều.

Khó khăn năm nay bắt nguồn từ nhiều phía, ông Trần Mạnh Hùng than phiền, tác động lớn nhất là doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguồn tiền cộng thêm giá cả nguyên vật liệu và chi phí đầu vào đều tăng, khiến hoạt kinh doanh không có hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận thấp.

“Biện pháp trước mắt là thắt chặt tiết kiệm, cố gắng duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Thời điểm này ngành xây dựng khó mà có lợi nhuận,” ông Hùng nói.
 
Trên thị trường tiền tệ, lãi suất ngân hàng đang ở mức rất cao, khoảng trên 20%. Trong điều kiện môi trường kinh doanh không mấy thuận lợi thì mức lãi suất trên trở thành gánh nặng, không phải doanh nghiệp nào cũng chịu đựng được.

Mặc dù khối sản xuất đã được ưu tiên cho vay vốn, nhưng theo các chuyên gia khi nền kinh tế có vấn đề thì ngành sản xuất là ngành chịu nhiều khó khăn nhất, bởi luôn phải cân đối giữa yếu tố đầu vào và đầu ra, trong khi đầu vào rất cao, nhưng việc bán hàng trong nền kinh tế tranh hướng tới hội nhập, nên yếu tố đầu ra không thể cao tương ứng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết, đang phải rất thận trọng trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh trong năm. Cũng có không ít doanh nghiệp đang có kế hoạch giảm sản lượng và cắt giảm nhân công, hướng mục tiêu đầu tiên là duy trì tồn tại và vượt qua khó khăn.

“Hiện giờ chúng tôi chưa giảm sản lượng sản xuất, nhưng vẫn phải cân nhắc tăng trưởng ở mức độ hợp lý và đảm bảo có lãi. Tăng trưởng cao quá, yếu tố giá đẩy lên tạo nguy cơ ứ đọng sản phẩm, lúc đó sẽ bị tác động thêm chi phí về lãi vay. Đồng thời chúng tôi cũng chưa tính đến việc cơ cấu nhân sự. Việc sa thải công nhân là biện pháp cuối cùng phải làm. Trước mắt, Công ty đang trong quá trình rà soát, tiết kiệm, giảm chi phí lãng phí, điều chỉnh doanh thu hợp lý. Sau đó mới xử lý tiếp,” ông Đặng Minh Quang nói./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục