Hoàn thiện pháp luật chăm sóc sức khỏe nhân dân

Đa số đại biểu Hội đồng Dân tộc, Quốc hội bày tỏ sự cần thiết hoàn thiện cơ chế, pháp luật với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngày 24/9, tiếp tục phiên họp toàn thể, đa số ý kiến của các đại biểu Hội đồng Dân tộc của Quốc hội bày tỏ sự cần thiết xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh, góp phần bổ sung và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, pháp luật cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Các đại biểu Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Luật khám bệnh, chữa bệnh ra đời sẽ góp phần tạo môi trường bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, trên cơ sở đó đáp ứng ngày càng tốt hơn chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Một số ý kiến tại phiên họp đề nghị Luật cần có quy định về chế độ ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tự nguyện mở phòng khám, bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa góp phần khám chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe cho bà con vùng dân tộc. Đặc biệt vấn đề về y đức cần được quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của lương y đối với cộng đồng và xã hội trong dự án Luật.

Đối với nội dung cán bộ công chức, viên chức hành nghề y tế tư nhân, đại biểu Mùa A Sơn tán thành với việc quy định theo hướng cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc ngoài giờ những không được phép thành lập, tham gia thành lập, tham gia quản lý điều hành đối với tất cả các loại cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.

Đại biểu H'Luộc Ntơr cho rằng cần quy định chỉ cho phép bác sỹ làm việc tại bệnh viện công, không được phép làm thêm ngoài giờ bởi bác sỹ cần phải có thời gian học tập, nghiên cứu, nâng cao tay nghề... Ngoài ra các ý kiến thảo luận đã tập trung làm rõ một số vấn đề về cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế; cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh; vấn đề xã hội hoá trong các bệnh việc công; hệ thống tuyến y tế trong khám chữa bệnh.

Diễn trong 4 ngày (từ 21 đến 24/9), tại phiên họp toàn thể, Hội đồng Dân tộc đã thảo luận, thông qua kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006-2010; thông qua hoạt động từ sau kỳ họp thứ 5 đến kỳ họp thứ 6 và dự kiến chương trình hoạt động từ sau kỳ họp thứ 6 đến kỳ thứ 7 của Hội đồng Dân tộc; xem xét báo cáo của Ủy ban Dân tộc về kết quả đầu tư phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số năm 2009 và dự kiến kế hoạch năm 2010.

Các thành viên Hội đồng Dân tộc đã đóng góp ý kiến vào 8 dự án Luật gồm: Luật Người cao tuổi; Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự; Luật Thuế nhà, đất; Luật Khám chữa bệnh; Luật Tiếp cận thông tin; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục