Ứng dụng LPG trong giao thông vận tải ở Việt Nam

Hiện nay, nguồn LPG của Việt Nam khá dồi dào và đây là cơ sở để đưa LPG vào sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Công nghiệp khí Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng, thị trường khí Việt Nam cũng đang trên đà phát triển. Từ năm 1999, Việt Nam đã có thể cung cấp LPG từ nguồn nội địa.

Với sản lượng khí khai thác trong nước và sự ra đời các nhà máy chế biến khí, nhà máy lọc dầu, các chương trình khí, nguồn LPG của Việt Nam khá dồi dào. Đây là cơ sở quan trọng nhất tạo điều kiện để đưa LPG vào sử dụng rộng rãi trong các ngành kinh tế đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Năm 1997 lần đầu tiên Việt Nam có 20 taxi tải chạy bằng LPG trong nội thành và có 1 trạm nạp LPG cho ôtô. Năm 2004, Công ty Petrolimex đã thành lập đội taxi với hơn 150 đầu xe sử dụng nhiên liệu LPG và có một trạm cung cấp LPG tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng thời điểm, Công ty UP Gas đầu tư 1 trạm cấp LPG tại sân bay Tân Sơn Nhất và chuyển đổi cho gần 300 taxi của hãng SASCO sang chạy bằng LPG.

Năm 2008-2009, Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Cửu Long đã chuyển đổi và đưa vào hoạt động 350 taxi sử dụng LPG và xây 2 cột nạp LPG cho xe taxi. Hiện tại đơn vị này có tổng số 5 trạm nạp LPG tại Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu   Đến nay, cả nước có khoảng 1.000 xe chạy LPG, chủ yếu là taxi (trên 90%) tập trung tại các thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố  Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Vũng Tàu.

Dự kiến đến năm 2015, Công ty cổ phần vận tải dầu khí Cửu Long thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ nâng tổng số xe taxi chạy bằng khí LPG tại các tỉnh khu vực phía Nam lên 1.500 chiếc.    

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp taxi chuyển sang sử dụng nhiên liệu LPG, đơn vị kinh doanh cam kết sẽ bán khí LPG với giá thấp hơn giá xăng A92 khoảng 25-30%. Về các trạm cấp LPG, gần đây Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa chấp thuận cho công ty trách nhiệm hữu hạn Dầu khí thành phố xây dựng thí điểm trạm nạp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) cho ôtô tại 7 cửa hàng xăng dầu.

Hiện nay, do số xe sử dụng loại nhiên liệu này còn ít so với tổng số xe ôtô hoạt động trên địa bàn thành phố (hiện cả thành phố có khoảng 12.000 đầu xe taxi) nên việc phát triển hệ thống cung cấp khí cũng rất khó khăn. Khi ít điểm cung cấp thì việc phát triển dòng xe này cũng khó vì người sử dụng sẽ không thuận tiện khi tìm địa điểm nạp khí.

Với việc xây dựng 7 trạm nạp khí này của Thành phố Hồ Chí Minh, hy vọng loại hình xe thân thiện với môi trường trên sẽ có điều kiện phát triển. Trong tương lai có thể LPG sẽ được sử dụng cho xe tải, xe buýt, xe vận chuyển hành khách liên tỉnh và cho tàu thuyền./.

                                                                     
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục