Phụ nữ tích cực đóng góp vào xây dựng đất nước

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa tham luận nội dung phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Tại phiên họp ngày 14/1 Đại hội XI của Đảng, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tham luận nội dung: “Thực hiện bình đẳng giới, phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.”

VietnamPlus xin trích giới thiệu bài tham luận trên.

… Những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã thể hiện quyết tâm cao và sự quan tâm sâu sắc trong việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Các chủ trương, Nghị quyết của Đảng được Nhà nước thể chế hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án nhằm phát huy tài năng, trí tuệ của phụ nữ và thúc đẩy phụ nữ tham gia vào công cuộc phát triển đất nước. Các tầng lớp phụ nữ cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về những yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ đó nâng cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, tích cực học tập và rèn luyện.

…Để tiếp tục thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ đã đề ra, phát huy những thành tựu đã đạt được về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, tăng cường sự tham gia, đóng góp của phụ nữ đối với đất nước và gia đình, Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị với Đảng và Nhà nước:

Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ, coi việc phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới; công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình, trong đó hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực và kết quả cụ thể trong tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 “nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực.”

Thứ hai: về xây dựng và hoàn thiện các chính sách, luật pháp:

1. Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục kiến nghị với Đảng và Nhà nước sớm xem xét chỉ đạo rà soát, sửa đổi bổ sung có hướng dẫn cụ thể các chính sách, pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ và thực hiện đúng nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ là “Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm” và quy định của Luật Bình đẳng giới là “ Nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.” Cơ bản và quan trọng nhất là sửa Điều 145 của Bộ Luật Lao động về việc quy định chế độ hưởng hưu trí hàng tháng đối với người lao động và một số chính sách khác bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới như Quy chế cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước, hướng dẫn về độ tuổi cán bộ đưa vào quy hoạch; tuổi bổ nhiệm, quy định luân chuyển cán bộ, thi nâng ngạch, phong học hàm và các danh hiệu cao quý của Nhà nước…

2. Đề nghị Đảng và Nhà nước ban hành chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò trong xây dựng gia đình và nuôi dạy con, nhất là các chính sách phát triển nhà trẻ, mẫu giáo; các trung tâm tư vấn hôn nhân-gia đình và phòng chống tệ nạn xã hội, buôn bán phụ nữ-trẻ em và bạo lực gia đình; chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số; chính sách đào tạo lại cho nữ trí thức, hỗ trợ phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi tham gia đào tạo, bồi dưỡng; nâng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề có chứng chỉ chuyên môn, kỹ thuật; chính sách thuế đối với nữ chủ doanh nghiệp; hỗ trợ nhà ở cho phụ nữ cao tuổi đơn thân, phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thứ ba: Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành, các cấp cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết định kỳ việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, về phụ nữ và có biện pháp biểu dương, đôn đốc, nhắc nhở. Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò và đóng góp của phụ nữ, lên án các tư tưởng, hành vi phân biệt đối xử, coi thường, xúc phạm phụ nữ, đồng thời giới thiệu các gương phụ nữ tiêu biểu.

Phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt của mình, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục kiện toàn, củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng những chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ; tham mưu, giới thiệu, tạo nguồn cán bộ nữ và giới thiệu quần chúng là phụ nữ ưu tú cho Đảng; đa dạng hóa các hình thức để tập hợp các đối tượng phụ nữ, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội…”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục