"Bão" trên sàn vàng

"Bão" giá tiếp tục hoành hành sàn vàng New York

Tại thị trường New York phiên 14/7, giá vàng vẫn cao kỷ lục, sau khi Moody's cảnh báo về khả năng Mỹ bị hạ mức xếp hạng tín dụng.
Tại thị trường New York phiên 14/7, giá vàng tiếp tục ghi mức cao kỷ lục, sau khi hãng Moody's cảnh báo về khả năng Mỹ bị hạ mức xếp hạng tín dụng.

Trong khi đó, dầu thô và chứng khoán rớt giá do phát biểu của người đứng đầu Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke đã dội một gáo nước lạnh vào những nhà đầu tư đang hy vọng về khả năng Mỹ sớm triển khai các biện pháp kích thích kinh tế.

Ông Bernanke nhắc lại FED sẵn sàng bơm thêm các biện pháp kích thích vào hệ thống, nếu "sức khỏe" kinh tế Mỹ yếu đi, nhưng đây chưa phải là lúc đưa ra quyết định này, trong bối cảnh lạm phát đã nhúc nhích tăng từ cuối năm 2010 đến nay.

Phát biểu của ông Bernanke đã tạo nên xu hướng đi xuống trên hầu hết các thị trường hàng hóa, trong khi giá vàng tiếp tục tăng do nhà đầu tư muốn tìm đến "nơi trú ẩn an toàn" trước sức ép bởi những thông tin đánh đi từ Mỹ và nguy cơ lây lan của cuộc khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Moody's dọa sẽ giáng cấp mức xếp hạng tín dụng AAA của nền kinh tế lớn nhất thế giới, với lý do nguy cơ vỡ nợ của Mỹ đang ngày một tăng, trong bối cảnh Washington vẫn chưa đạt được thỏa thuận nâng mức nợ trần khi hạn chót (2/8) đã gần kề.

Trong phiên này, giá vàng giao ngay đã lập mức cao kỷ lục 1.594,16 USD/ounce và đến cuối phiên dịu xuống 1.586,11 USD/ounce, tăng 0,3% so với phiên trước.

Trong khi đó, giá vàng tại hợp đồng giao tháng Tám đóng cửa với mức tăng 3,8 USD/ounce. Như vậy, giá vàng đã đi lên trong chín phiên liên tiếp, đánh dấu đợt tăng giá dài nhất kể từ tháng 10/2006.

Chuyên gia phân tích Eugen Weinberg thuộc Commerzbank nhận định, thị trường ngày một lo ngại về "sức khỏe" của đồng USD, về cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, cũng như nguy cơ Mỹ bị hạ mức xếp hạng tín dụng. Đây đang là thời kỳ hoàng kim của vàng.

Chủ tịch FED cũng nhắc lại cảnh báo rằng kịch bản vỡ nợ nếu xảy ra sẽ phá hủy không chỉ kinh tế Mỹ mà cả kinh tế toàn cầu. FED vừa kết thúc chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 600 tỷ USD vào tháng 6/2011.

Kể từ năm 2008, FED đã triển khai chính sách nới lỏng tiền tệ để vực dậy thị trường chứng khoán. Chỉ số S&P 500 hiện tăng khoảng 95% so với mức đáy của tháng 3/2009.

Trên "mặt trận" tiền tệ, cả đồng euro và đồng USD trong phiên 14/7 đều có lúc rớt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng franc Thụy Sĩ, do nhu cầu ngày càng tăng của nhà đầu tư đối với đồng tiền có tính an toàn truyền thống này.

Sang phiên giao dịch ngày 15/7 tại Singapore, thị trường vàng dường như bước vào giai đoạn "xả hơi" sau đợt tăng tốc mạnh vừa qua.

Vào lúc 0604 GMT, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.581,4 USD/ounce. Tuy nhiên, trong phiên này, đã có lúc giá vàng bật lên mức cao kỷ lục 1.594,16 USD/ounce.

Hou Xinqiang, chuyên gia phân tích tại Jinrui Futures (Trung Quốc) nhận định, vàng phải đối mặt với đôi chút sức ép sau chín phiên đi lên liên tiếp, nhưng giá vàng sẽ không xuống sâu, do thị trường vẫn còn trong giai đoạn "hưng phấn."

Theo kết quả thăm dò 15 chuyên gia phân tích do Reuters thực hiện, giá vàng năm sau được dự báo sẽ ở mức trung bình 1.550 USD/ounce, tăng khoảng 7% so với con số được đưa ra hồi tháng Một năm nay./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục