ĐBSCL: Không mở rộng diện tích nuôi tôm sú

Năm nay, các tỉnh ĐBSCL đưa 550.600ha vào nuôi tôm sú, chiếm gần 70% diện tích nuôi toàn vùng; giảm gần 16.000ha so với năm ngoái.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đưa 550.600ha vào nuôi tôm sú, chiếm gần 70% diện tích nuôi toàn vùng; giảm gần 16.000ha so với năm ngoái.

Năm nay diện tích nuôi tôm sú giảm do hệ thống tiêu thoát nước thải chưa đáp ứng nhu cầu và chưa ngăn chặn được dịch bệnh.

Để đạt năng suất trung bình 0,7 tấn/ha, sản lượng 386.000 tấn, các tỉnh đa dạng hóa hình thức nuôi như thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm lúa, tôm rừng.

Các tỉnh khuyến khích các cơ sở cải tiến kỹ thuật nuôi theo hướng bền vững và áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm như áp dụng các qui trình nuôi tốt (GAP), nuôi có trách nhiệm (RAP), quản lý vùng nuôi an toàn nhằm tạo sản phẩm đáp ứng được với yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Đặc biệt, các tỉnh khuyến khích hộ nuôi áp dụng mô hình “nuôi tôm cộng đồng” cùng thả một loại tôm giống, ngày thả, vệ sinh ao nuôi... hạn chế được dịch bệnh. Nếu dịch bệnh xảy ra, cộng đồng thông tin cho nhau để cùng thống nhất cách phòng trừ kịp thời.

Mô hình “nuôi tôm sinh thái” (không thả tôm giống mật độ dày mà áp dụng như mô hình tôm lúa (2,5con/m2/vụ), sử dụng thức ăn tự nhiên, dùng ít phân hữu cơ để tạo màu trong nước không làm ô nhiễm môi trường, do đó, không cần xử lý nước thải. Chi phí thấp nhưng năng suất ổn định 200kg/ha.

Hiện các trại giống tại chỗ chỉ cung ứng 19 tỉ con giống trong khi nhu cầu tới 36 tỉ con. Do vậy, các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng con giống ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhập về, hạn chế đến mức thấp nhất tôm nhiễm bệnh được thả nuôi gây thiệt hại hàng trăm ngàn ha mỗi năm.

Các tỉnh đầu tư, vận hành hiệu quả hệ thống kiểm soát nước mặn và nước ngọt cố định và tạm thời ở các vùng ven biển, chủ yếu vùng Bán đảo Cà Mau; từng bước cải tạo các cống ngăn mặn thành các cống tự động hai chiều, lấy nước mặn vào mùa nuôi tôm và trữ nước ngọt vào mùa trồng lúa; khuyến khích xây dựng hệ thống xử lý nước cấp và thoát nước ngay tại hộ nuôi nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước./.

Thế Đạt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục