Ai Cập: Các vụ đụng độ bên ngoài dinh Tổng thống

Ngày 11/2, bên ngoài Dinh Tổng thống, cảnh sát Ai Cập và cảnh vệ dinh đã phải dùng hơi cay và vòi rồng giải tán người biểu tình.
Ngày 11/2, bên ngoài dinh Tổng thống, cảnh sát Ai Cập và cảnh vệ dinh đã phải dùng hơi cay và vòi rồng giải tán người biểu tình trong bối cảnh phe đối lập nước này thực hiện nhiều cuộc biểu tình nhân thời điểm hai năm ngày lật đổ nhà lãnh đạo Hosni Mubarak.

Đụng độ đã xảy ra sau khi hàng trăm người biểu tình tiến về Dinh Tổng thống tại thủ đô Cairo. Các nhân chứng cho biết một số người biểu tình đã ném đá, bom xăng và định phá cửa xông vào. Cảnh sát và cảnh vệ dinh đáp trả bằng vòi rồng, rồi sau đó là một lượng lớn hơi cay để giải tán đám đông.

Lực lượng đối lập tại Ai Cập, trong đó có nhóm chính là Mặt trận Cứu quốc (NSF), đã kêu gọi biểu tình rầm rộ trên toàn quốc trong ngày 11/2 đánh dấu hai năm ngày lật đổ nhà lãnh đạo Mubarak đồng thời để thể hiện sự phản đối với chính quyền hiện nay của Tổng thống Mohamed Morsi.
Lực lượng đối lập cho rằng Tổng thống Morsi phải thực hiện những mục đích của cuộc cách mạng đã giúp ông lên nắm quyền lực cùng phong trào Anh em Hồi giáo.

Trong số những yêu cầu chính của phe đối lập là thành lập một chính phủ thống nhất mới, sửa đổi bản dự thảo Hiến pháp đang gây nhiều tranh cãi, cách chức Bộ trưởng Nội vụ và Trưởng Công tố, điều tra xét xử những người chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 50 người biểu tình trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh thời gian qua...

Tuy nhiên, phản ứng của dư luận không được như sự mong đợi của lực lượng đối lập khi số người tham gia biểu tình ngày 11/2 thấp hơn nhiều so với các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Morsi hồi tháng 11 và tháng 12 năm ngoái.

Ngoài hàng trăm người tiến về Dinh Tổng thống, chỉ có khoảng 1.000 người tụ tập ở quảng trường Tahrir ở trung tâm Cairo. Cũng chỉ có vài cuộc tụ tập biểu tình khác ở những quảng trường trên toàn quốc.

Thời điểm này hai năm trước, sau khi Tổng thống Mubarak tuyên bố từ chức, người dân Ai Cập đổ xuống đường ăn mừng và lạc quan hy vọng những thay đổi mạnh mẽ đã trong tầm với. Tuy nhiên giờ đây, không ít người dân đang giận dữ bởi những mục tiêu như tự do và công bằng xã hội vẫn chưa đạt được.

Ai Cập bị chia rẽ nghiêm trọng giữa một bên là những người ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo với một bên là lực lượng đối lập đông đảo, nhiều thành phần. Bạo lực, bất ổn an ninh xảy ra hàng ngày trong khi kinh tế căng thẳng với giá cả đắt đỏ leo thang càng làm trầm trọng thêm sự hỗn loạn chính trị./.

Tin cùng chuyên mục