"Ồn ào" chuyện nhân sự

Đại hội Hội Nhà văn VIII: Ồn ào chuyện bầu nhân sự

Trong ngày họp nội bộ (5/8), Đại hội VIII Hội nhà văn đã có một buổi sáng "nóng" và một buổi chiều "dài" quanh chuyện nhân sự nhiệm kỳ mới.
736 nhà văn dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Trong ngày họp nội bộ (5/8), buổi sáng hội trường căng thẳng, sôi sục bao nhiêu với chuyện bầu nhân sự thì buổi chiều lại diễn ra uể oải, đì độp vỗ tay và chịu đựng tham luận để chờ... bỏ phiếu.

Quá tải các tham luận không gặp địa chỉ...

Dự đoán từ trước ngày đại hội nội bộ diễn ra, Nhà thơ Vũ Quần Phương nói có hai khả năng, một là uể oải cho qua đại hội và hai là sẽ bật lên một số vấn đề. Ông cũng tỏ ra lấy làm tiếc vì thời gian tổ chức hơi ngắn: "Tôi e là quá vội vã vì sẽ không kịp bàn bạc những vấn đề lớn của văn học nước nhà. Chỉ có một ngày chính để bàn. Trong khi đó, dường như người ta quan tâm đến nhân sự Ban chấp hành nhiệm kỳ tới là chính..."

Nhà văn Đặng Hiển lại có cái nhìn khác, đánh giá hết sức nghiêm túc: Tôi thấy đại hội lần này tổ chức công phu, kỹ càng hơn. Và cũng hy vọng tính dân chủ hơn. Số lượng Ban chấp hành Hội Nhà văn khoá VIII tới đây sẽ phải đạt tối thiểu là 15 người, tối đa là 25 người để các hội viên dễ chọn lựa. Nếu bầu lần 1 chưa xong thì tiến hành bầu lần 2.
 
Ông Đặng Hiển cho rằng các nhà văn hôm nay được gặp nhau là rất vui. Có câu chuyện về chiếc micro bị tắt khi một đại biểu đang quá khích hay chuyện cứ ngồi dưới nói lên rồi lại chạy lên “cướp” diễn đàn là khó coi. “Nhưng thật ra cảm xúc của 'anh' nghệ sĩ bao giờ cũng khó kìm nén,” ông từ tốn nói.

Nhà thơ Inrasara tâm sự bên lề đại hội rằng, trước đây Hội Nhà văn Việt Nam đã chưa hỗ trợ được gì cho các cây bút Chăm. Không có gì phải thắc mắc cả. Hy vọng, sau đại hội này, Hội Nhà văn Việt Nam vươn tay ra xa hơn, đến tận vùng sâu, vùng xa nhất của đất nước. Từ đó khám phá các tài năng.

Về cá nhân, nhà thơ Inrasara bộc bạch: Nếu hỏi hài lòng hay không về đại hội lần này thì tôi luôn là người lạc quan. Nhưng, lạc quan tới đâu còn tùy thuộc vào việc Ban chấp hành mới triển khai các “quyết tâm” kia tới đâu, như thế nào? Bởi, biết đâu các quyết tâm kia bị bỏ rơi các đề mục quan trọng nhất, các đề mục nếu triển khai đúng mức sẽ dẫn tới sự sáng tạo ra tác phẩm văn học độc đáo, hay.

Với chất giản dị, tươi tắn Nhà thơ Hoàng Việt Hằng không ngại ngần nói: Tôi có nghe thấy gì đâu.Tôi cũng không để ý gì về việc bầu ban chấp hành. Đến gặp chị em bạn bè vui là chính thôi. Tham luận dài mà toàn nói những việc Hội Nhà văn phải làm thế này thế kia nghe một lúc lại thấy chối.

Trong khi đó, chạy ra khỏi hội trường  với vẻ mệt mỏi, nhà thơ Đinh Phạm Thái tâm sự: Tôi cũng nghĩ các nhà văn đọc tham luận cũng cần có tự trọng. Dài lê thê khiến hội trường cứ phải vỗ tay mời xuống như thế thì cố làm gì. Cụ thể như có anh ngồi dưới cũng thấu hiểu tình hình ấy. Thế mà lên lại cố đọc cho hết tham luận, không biết “cắt giảm” bớt đi. Có ai mà nghe được nhiều thế đâu. 10 tham luận trong 3 tiếng đồng hồ. Thật  quá tải!

Ồn ào chuyện nhân sự

Đây cũng chính là vấn đề "nóng" nhất tại phiên họp sáng 5/8 và là nguyên nhân của sự "quá tải tham luận" trong buổi chiều. Không khí hội trường phải nói là sôi lên bởi quá nhiều hội viên có ý kiến, muốn phát biểu ý kiến. Nhà văn Trần Mạnh Hảo lên thẳng sân khấu nói dù chưa được mời, giọng đầy bức xúc: Đại hội nhà văn thì phải nói về chuyện văn chương, đằng này chỉ để tâm vào chuyện bầu bán...

Nói chuyện cùng chúng tôi, nhà thơ nữ Trần Kim Hoa cứ băn khoăn mãi: Tôi nghĩ vấn đề nhân sự cho Ban chấp hành Hội Nhà văn nhiệm kỳ mới hình như đã được quan tâm quá mức. Ngỡ chỉ một số người quan tâm. Vậy mà đông người dường như hùa theo nhau, gây ồn ào quá.

Chiều muộn ngày 5/8, có thể nói kịch tính nhất là công bố kết quả kiểm phiếu đề cử và ứng cử. Sau hơn 7 tiếng đồng hồ làm việc vất vả, Ban kiểm phiếu đã tìm được 30 người có số phiếu đề cử cao nhất trong tổng số 712  phiếu phát ra, thu về 693 phiếu, phiếu hợp lệ 692.

Danh sách 30 nhà văn được phiếu cao (xếp từ trên xuống dưới): Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Ước, Lê Quang Trang, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Thị Ngọc Tư, Hồ Anh Thái, Đào Thắng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Trọng Thưởng, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Bích Thúy, Bằng Việt, Lê Văn Thảo,Trần Đức Tiến, Trương Nam Hương, Đình Kính, Vũ Hồng, Văn Công Hùng, Dương Thuấn, Võ Thị Xuân Hà, Linh Nga Niếc Đam, Thanh Thảo, Nguyễn Hoa, Lê Minh Khuê, Đinh Quang Tốn, Nguyễn Thị Mai, Khuất Quang Thụy.

Sau đó, có 12 người xin rút là: Trần Đăng Khoa, Hữu Ước, Nguyễn Thị Ngọc Tư, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Đỗ Bích Thúy, Bằng Việt, Lê Văn Thảo, Trương Nam Hương, Thanh Thảo, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Mai.

Danh sách còn lại 18 người. Đại hội đứng giữa 2 lựa chọn: tìm những người thấp phiếu hơn cho đủ 30 người để bầu lấy 15 theo tỉ lệ bầu 2 lấy 1, hay chỉ bầu 18 người còn lại để lấy 15. Cuối cùng, bằng hình thức biểu quyết giơ tay, đại hội đã thông qua phương án 2.

Vào lúc 19 giờ, Đại hội Hội nhà văn Việt Nam tiến hành bỏ phiếu bầu Ban chấp hành mới. Với việc bầu 15 người từ 18 ứng cử viên, hy vọng đại hội nhà văn lần thứ 8 sẽ chọn được số lượng BCH như mong muốn.

Có lẽ đây là ngày làm việc mệt mỏi và muộn nhất của các đại biểu. Nhưng những người mệt nhất phải là các thành viên Ban kiểm phiếu, bởi họ sẽ phải làm việc suốt đêm nay để có kết quả bầu cử cho đại hội vào sáng ngày mai.

Vẫn phơi phới niềm tin!

Còn nhà thơ Lê Thái Sơn, nguyên Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An cho biết, lúc chuẩn bị bước vào đại hội, ông cảm thấy rất sung sướng và đầy kỳ vọng cho một tương lai gần của văn chương Việt Nam.

Đến khi đại hội diễn ra ông lại thấu một điều, nhà văn chỉ có thể có tác phẩm hay bằng chính nội lực của mình, còn những sự trông mong khác thì rất mong manh.

Tuy nhiên, nhà thơ cũng cho rằng, không khí cởi mở đã gây dư chấn giúp cho nhà văn có thể nhìn lại mình trên con đường sáng tác.

Riêng nữ nhà văn Lê Phương Liên lại tỏ ra háo hức, theo cách nói của bà thì dễ bị người khác hiểu lầm mình là “lạc quan tếu.” Nhà văn chia sẻ rằng, bà đã từng dự nhiều đại hội và biết những “tai nạn” thường gặp trong khâu tổ chức. Vì thế, đại hội lần này "tuy còn những phức tạp nhất định nhưng vẫn diễn ra thành công hơn bà tưởng."

Nhà văn Lê Phương Liên cũng đặt niềm hy vọng sẽ có một ban chấp hành mới mang nhiều chất trẻ để tình hình văn học 5 năm tới sẽ chuyển biến tích cực hơn, có thể đáp ứng được nhu cầu của nhân dân./.

736 nhà văn dự đại hội, 349 người được đề cử vào BCH Hội Nhà văn khóa VIII, 28 nhà văn được đề cử làm Chủ tịch Hội Nhà văn. Trong 5 năm toàn thể hội viên xuất bản 1.875 tác phẩm, trong đó có 942 tác phẩm văn xuôi, 611 tác phẩm thơ, 83 tác phẩm văn học dịch, 239 tác phẩm lý luận, phê bình.

Từ năm 2005-2010, Hội Nhà văn đã được Nhà nước cấp 86,6 tỷ đồng, trong đó có 14,7 tỷ đồng tài trợ sáng tạo, hơn 5 tỷ đồng tài trợ tác phẩm chất lượng cao cho 235 nhà văn, hơn 4,2 tỷ đồng tài trợ công bố tác phẩm cho 802 lượt nhà văn...

Về độ tuổi hội viên: Chỉ có 16 hội viên là có độ tuổi từ 40 trở xuống (sinh năm 1970-1980). Trẻ nhất là Vi Thùy Linh sinh năm 1980. Có tới 60% hội viên trên 60 tuổi.


Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục