Cà Mau có tới gần 100 điểm nguy cơ cao mùa bão

Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 100 “điểm nóng” có nguy cơ sạt lở ở mức cao trong mùa mưa bão 2012.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 100 “điểm nóng” có nguy cơ sạt lở ở mức cao trong mùa mưa bão 2012.

Những “điểm nóng” bao gồm các cửa biển Sông Đốc, Khánh Hội, Bồ Đề, Tam Giang… đây là những cửa biển mỗi năm sạt lở sâu vào đất liền từ 3-5 mét. Các tuyến sông như sông Cửa Lớn thuộc hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển gần biển nên nước chảy rất mạnh, mỗi năm sạt lở từ 4-5 mét.

Ngoài ra, phải nhắc đến tuyến đê biển Tây dài 100km, đê biển Đông dài 40km, các con sông như Sông Đốc, Sông Trẹm, Kênh xáng Đội Cường, Sông Gành Hào, kế đến là trên 300km tuyến ven sông ăn thông ra các cửa biển…

Đáng chú ý là tại các "điểm nóng" nói trên, có tới trên 1.200 hộ dân đang sinh sống hàng ngày, đối mặt trực tiếp với sự đe dọa về tính mạng và tài sản nếu xảy ra lụt bão, nước biển dâng. Việc có nhiều người dân tự ý cất nhà ven sông, cửa biển để ở hoặc kinh doanh đã trở thành tập quán từ lâu đời của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng.

Điển hình như thị trấn Sông Đốc, Năm Căn có tổng số dân lên tới gần 80.000 người, trong đó có trên 450 căn hộ đang cất nhà sàn theo kiểu nửa trên sông nửa trên bờ rất nguy hiểm.

Mỗi năm tỉnh Cà Mau có từ 20-30 vụ sạt lở, cuốn trôi hàng chục căn nhà được cất tạm, gây thiệt hại lớn về kinh tế... Tuy nhiên, do chủ quan, mất cảnh giác và ý thức của một bộ phận người dân về thiên tai chưa cao nên người dân vẫn tiếp tục sống trong những ngôi nhà như vậy.

Để chủ động đối phó với thiên tai, ngay từ đầu mùa mưa, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai hàng loạt các biện pháp như di dời khoảng 300 hộ dân hiện đang sống trong khu vực rừng phòng hộ đê biển Tây về tập trung tại các khu tái định cư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức đề phòng thiên tai, sạt lở, nước biển dâng. Đối với những căn nhà hiện còn ở ven sông có nguy cơ sạt lở phải trang bị áp phao để phòng khi bất trắc. Tuy nhiên, tất cả biện pháp trên chỉ là tạm thời, bởi để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, cần các biện pháp quyết liệt hơn nhằm chấm dứt tình trạng cất nhà ven sông hoặc cách sông từ 20 mét trở lên.

Các cấp chính quyền địa phương cần vận động nhân dân làm hàng rào chống sạt lở, trồng rừng phòng hộ để chống sạt lở. Và mỗi người dân cần có ý thức chung sức với chính quyền thực hiện các biện pháp chống sạt lở.../.

Trần Thành Nên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục