Miền Trung góp ý dự thảo về Luật Tài nguyên nước

Đây là lần tổ chức lấy ý kiến cuối cùng để Ban soạn thảo rà soát, tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý ý kiến trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Ngày 8/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Phát triển Bỉ (BTC)- Dự án CAPAS tổ chức Hội thảo góp ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, với sự tham dự của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và ba tỉnh Tây Nguyên.

Đây là lần tổ chức lấy ý kiến cuối cùng để Ban soạn thảo rà soát, tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý ý kiến trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo lần này có 6 chương với 58 điều, tăng 2 điều so với Dự thảo lần trước. 5 chương bao gồm: Quy định chung; Điều tra cơ bản tài nguyên nước; Bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Tài chính về tài nguyên nước; Điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khai thác phục vụ hậu quả tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông; Điều khoản thi hành.

Hội thảo đồng tình cao với Dự thảo lần này đã được chỉnh lý và bổ sung chi tiết, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Một số đại biểu đã tập trung phân tích làm rõ thêm ở điều 13, chương II về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.

Điều 15, 16, 17 thuộc Chương III về Trồng bù diện tích rừng bị mất và đóng góp kinh phí cho bảo vệ, phát triển rừng; Thăm dò nước dưới đất; Giấy phép về tài nguyên nước. Điều 56 thuộc Chương VI về Điều khoản chuyển tiếp...

Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 đã bổ sung nhiều quy định, điều khoản mới tập trung cho việc quản lý, bảo vệ và giữ gìn nguồn nước.

Theo ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ tài nguyên và Môi trường), sau hơn 12 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Tài nguyên nước năm 1998 đến nay không còn phù hợp với thực tiễn cần điều chỉnh.

Vì vậy, việc ban hành Luật Tài nguyên nước, thay thế cho Luật Tài nguyên nước năm 1998 nhằm khắc phục những bất cập, mở đường cho các hoạt động hướng đến mục tiêu bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia, tạo động lực phát triển bền vững ngành kinh tế nước nhiều thành phần phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Lần sửa đổi, bổ sung này của Luật có nhiều điểm mới, đối tượng quản lý tài nguyên nước không còn bị bó hẹp chỉ về chất lượng và số lượng nước mà đã được mở rộng đến việc quản lý cả lòng, bờ bãi sông cũng như việc thiết lập các công cụ, biện pháp kinh tế trong quản lý tài nguyên nước./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục