"Bảo tàng cổ vật”

Gã tỷ phú “gàn” với ước mơ làm “bảo tàng cổ vật”

Ít ai biết Nguyễn Quang Mạnh đang sở hữu bộ sưu tập khổng lổ những vật dụng ngàn xưa quý hiếm của các tầng lớp cư dân Việt.
Gã là tỷ phú thật, vì là chủ một cái hiệu ảnh to đùng có hàng chục nhân viên từ kế toán đến lễ tân, thợ ảnh… Tỷ phú nhưng trông dáng vẻ lom nhom, ăn mặc tuềnh toàng, cả cái nói cái cười chả ra ông chủ.

Đến như cái việc đãi bạn chén nước, ly rượu cũng phải bàn với vợ hoặc phải xin mẹ ít tiền lẻ. Thế nhưng khi biết gã là chủ nhân của cái "bảo tàng" mà hiện vật nhiều vô kể với những cối đá, nông cụ, đồ dùng sinh hoạt từ xa xưa của nông dân Việt và vẫn còn mải mê rong ruổi khắp nơi đi sưu tầm hiện vật thì tôi hơi bị bất ngờ...

Không có điện thoại di động. Bản thân gã là một kẻ  luôn di động. Muốn gặp gã thì chỉ có cách đột nhập bất ngờ.

Từ những món đồ vô giá

Tầng trệt của căn nhà 68 Quang Trung, thành phố Bắc Giang là một tiệm chụp ảnh luôn tấp nập người, nhưng ít ai ngờ chủ nhân của nó cũng chính là Nguyễn Quang Mạnh, gã “khùng” với máu sưu tập “bảo tàng cổ vật.”

Dẫn tôi đi thăm cái gọi là “bảo tàng nhà quê,” tưởng ở một nơi rất xa nhưng không, ngay chính căn nhà này, gã dành gần 4 tầng thênh thang, mặt tiền hàng chục mét để làm nơi bày hiện vật. Tầng một là những bộ sưu tập quý gồm đồ gốm sứ, đồ đồng và đặc biệt nhất là sưu tập các loại đèn.

Có những món đồ sứ nhỏ chỉ đặt lọt trong lòng bàn tay, Mạnh bảo cực hiếm và quý. Có thứ quý vì hiếm nhưng có thứ quý nhưng không hiếm. Trong cái tủ bày đồ gốm sứ, có ba hiện vật lạ, đó là một cái mác, một thanh kiếm cổ và một khẩu súng kíp đã ngả màu đen…

Mạnh kể: Đó là ba bảo vật tương truyền gắn với cụ Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế. Một lần đang rong ruổi các làng ở  Yên Thế để săn ảnh, bỗng nhìn thấy ở sân nhà ấy có cái mác cô con gái đang thái rau. Hỏi ông chủ nhà, bảo: "Của các cụ ngày xưa ấy mà! Nghe nói xưa các cụ theo Đề Thám đánh Tây dùng thứ này mà giết được giặc đấy!"

Thế là mua lại vài chục nghìn, nhưng khi đem về mới thấy giá trị của nó. Cái thanh kiếm kia cũng nghe nói của chính cụ Đề Thám mới tuyệt chứ. Còn cây súng kíp đúng là loại vũ khí của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đã dùng…

Nhìn cái cách Mạnh nâng niu từng món đồ trên tay, tôi hiểu nhà sưu tập này đam mê sưu tầm hiện vật lịch sử đến thế nào. Mạnh dẫn tôi lên tầng ba ngôi nhà nơi bày nhiều bộ sưu tập hiếm và quý. Những vật dụng ngàn xưa của các tầng lớp cư dân nông thôn đều có mặt ở đây. Một bộ đồ trà, cái điếu bát hút thuốc lào hay bộ sập gụ tủ chè... dễ có thứ đã mấy trăm năm.

Nhiều ấn tượng nhất trong bộ sưu tập nhà quê của Mạnh có lẽ là bộ đèn. Các loại đèn từ cổ chí kim được treo khắp các gian nhà. Có cây đèn hạt đỗ từng leo lét trong bao nhiêu cuộc đời người nông dân xưa. Lại có cái đèn tọa đăng vẫn dùng cho nhà quyền quý một thời. Hay những cái đèn huyền đăng thắp nơi tế lễ việc làng máy thủa…

Những cái đèn cầy đủ kiểu bằng đồng, bằng chai, có cấu tạo hình dáng khác nhau được Mạnh nâng niu nhất. Bộ sưu tập đèn có lẽ đủ để Mạnh mở được một triển lãm về dụng cụ thắp sáng một thủa xa xăm kéo dài hàng vạn năm.

Còn đây: “Con chó đá này tôi thấy người ta vứt ở bụi tre ở ngôi làng trên Tân Yên. Nó đã ngồi ở đầu làng mấy trăm năm trông người quen người lạ ra vào cổng làng như một người lính canh trung thành nhất. Thế rồi khi làm đường bê tông, người ta phá cái cổng làng cũ đi để mở rộng đường, con chó không còn chỗ ngồi đành đẩy vào bụi tre…”

Trên tầng thượng ngôi nhà Mạnh trưng bày đồ mây tre: Một cái nôi tre, một cái chõng tre, nơi bà từng ru mẹ ta rồi mẹ ta từng ru ta ngày thơ bé. Cái chạn bát kia là nơi mẹ vẫn dành cất cho ta đồng quà tấm bánh sau mỗi phiên chợ. Rồi những lúc đói lòng sau buổi học về ta lại vào đó mở ra tìm mấy củ khoai hay vét ít cơm nguội…

Kia là những thứ đồ dùng và nông cụ. Một cái nơm từng úp vào không gian ao chuôm bao nhiêu triệu lần để bắt lấy những con cá đồng chiều hay lúc lũ về lao xuống dệ sông chụp lấy cá chép kéo vào bờ vật đẻ. Cái dậm kia mẹ từng vác nó qua nắng mưa đánh về con cua con cá nuôi ta ngày nào...

Đây mới là một phần của bảo tàng nhà quê của Mạnh. Mạnh dẫn tôi đi khoảng năm chục mét, vào một căn nhà khác, nơi Mạnh dành trưng bày chuyên đề… cối. Vâng! toàn bộ sân sau ngôi nhà mấy trăm mét vuông, Mạnh bày đủ các loại cối đá, từ cối giã gạo cối xay bột, cối đập lúa, trục lăn lúa…

Tất cả đều bằng đá xanh mòn nhẵn qua thời gian và quá trình sử dụng. Có cái cối đá giã gạo chày đạp xưa nặng mấy tạ, lại có cái cối giã cua có thể nâng trên bàn tay. Không chỉ có chuyên đề cối đá, ngôi nhà thứ hai này Mạnh dành để bày nông cụ và đồ sinh hoạt của nông dân xưa. Mấy cái cày cái bừa, mấy cái cuốc, rồi thì  thuổng,  mai đào đất… Rồi nồi đồng, nong nia, giần sàng…

Đến những giá trị lịch sử

Ba mươi hai năm làm một hành trình đi ngược về quá khứ, Mạnh đã có một gia sản khá lớn những đồ dùng làng Việt. Những đồ vật thân quen một thủa của con người nông thôn giờ đứng trước nguy cơ mất dấu. Mạnh tự hỏi bao đời nay cha ông ta đã sử dụng những vật dụng đơn sơ và gẫn gũi ấy, tại sao đến lúc vứt đi hết?

Và tại sao lại không sưu tầm để giữ lại cho mai hậu hình ảnh quá khứ làng quê! Xã hội đang phát triển nhanh đến chóng mặt, công nghệ và vật dụng thay đổi nhanh hơn nhằm phục vụ nhu cầu hiện đại của con người và bao nhiêu thứ đồ dùng thân thiết bỗng chốc một ngày kia bị vứt bỏ, bị bạc đãi một cách tàn nhẫn.

Vậy thì chỉ có bảo tàng mới là nơi chúng được giữ gìn bảo vệ và bảo tồn giá trị của nó. Mạnh đã làm với tấm lòng yêu mến quá khứ dân tộc. Không phải kẻ buôn đồ cổ. Anh chỉ muốn giữ lại cho hậu thế hình ảnh đẹp về một đời sống nông thôn thời xa vắng…

Ngày Di sản văn hóa, Bảo tàng Bắc Giang đã phải mượn hiện vật của Mạnh để trưng bày. Mơ ước của Mạnh là đến lúc nào đó sẽ dựng những ngôi nhà kiểu Việt cổ để làm trưng bày đồ dùng làng Việt.

Hành trình ngược về quá khứ của Mạnh vẫn tiếp tục và tôi tin một ngày kia sẽ có một bảo tàng đồ nhà quê thật hoành tráng được mở cửa. Rồi Mạnh sẽ mang về Hà Nội, mang đi nước ngoài để giới thiệu với công chúng về văn hóa Việt Nam qua những vật dụng đơn giản mà chứa đựng sự tài hoa, và cả triết lý nhân sinh của người Việt./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục