Tăng cường vai trò của quốc tế về an ninh hạt nhân

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất cần phát huy vai trò của IAEA trong việc điều phối chương trình, hoạt động chung của các quốc gia.
Chiều 13/4 theo giờ địa phương, Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Mỹ đã bế mạc sau hai ngày làm việc với việc thông qua hai văn kiện quan trọng là Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động, nêu rõ cam kết của các nước tham dự hội nghị trong việc tăng cường an ninh hạt nhân và giảm thiểu nguy cơ khủng bố hạt nhân.

Trong ngày làm việc cuối cùng của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo gần 50 quốc gia và tổ chức quốc tế đã tập trung thảo luận chủ đề hành động quốc tế đảm bảo an ninh hạt nhân và nâng cao vai trò của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đối với an ninh hạt nhân.

Thảo luận chủ đề hành động quốc tế đảm bảo an ninh hạt nhân, lãnh đạo các quốc gia dự hội nghị nhất trí cho rằng trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia mong muốn phát triển chương trình hạt nhân dân sự và nguy cơ khủng bố quốc tế gia tăng, vấn đề cấp thiết là bảo đảm an ninh hạt nhân.

Việc bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân trước hết là trách nhiệm của từng quốc gia, nhưng cũng đòi hỏi có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ.

Lãnh đạo các nước tham dự hội nghị kêu gọi các quốc gia trong cộng đồng quốc tế cùng hợp tác và tương trợ lẫn nhau khi cần thiết, đồng thời ủng hộ mục tiêu của các văn kiện quốc tế hiện hành về an ninh hạt nhân, trong đó có Công ước về Bảo vệ thực thể các vật liệu hạt nhân đã sửa đổi và Công ước quốc tế về Chống khủng bố hạt nhân, coi đây là một phần quan trọng của việc tăng cường an ninh hạt nhân toàn cầu.

Tham gia góp ý kiến về chủ đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng để đảm bảo an ninh hạt nhân, các hoạt động hợp tác quốc tế cần được tham vấn và đạt được sự đồng thuận rộng rãi của các đối tác; cần tính đến đặc thù về điều kiện kinh tế-xã hội và mức độ ứng dụng năng lượng hạt nhân của mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển.

Thủ tướng khẳng định lại ý nghĩa quan trọng của việc củng cố vị trí trung tâm của Liên hợp quốc và phát huy vai trò quan trọng của IAEA trong việc thúc đẩy phát triển ứng dụng và bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, cũng như sự hỗ trợ của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các nhà công nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đối với các quốc gia đang phát triển.

Về chủ đề nâng cao vai trò IAEA đối với an ninh hạt nhân, lãnh đạo các nước tham dự hội nghị nhấn mạnh vai trò của cơ quan này trong việc hỗ trợ về pháp lý và pháp quy, tăng cường an ninh và kiểm soát vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác, đồng thời tăng cường năng lực quốc gia về phát hiện và đối phó với buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân, vật liệu phóng xạ.

Các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định vai trò quan trọng của IAEA trong lĩnh vực an ninh hạt nhân và cùng hợp tác để đảm bảo rằng IAEA tiếp tục có cơ cấu, nguồn lực và chuyên môn cần thiết cho việc triển khai các hoạt động được giao, phù hợp với quy chế, các nghị quyết của Đại hội đồng và các kế hoạch an ninh hạt nhân của cơ quan này.

Thảo luận vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong hơn 50 năm hoạt động kể từ khi thành lập, IAEA luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện tôn chỉ, mục đích tăng cường và mở rộng ứng dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình, chăm lo sức khỏe, sự phồn vinh của nhân loại cũng như bảo đảm an ninh hạt nhân, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này.

Khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam trong các hoạt động của IAEA, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất cần phát huy vai trò của IAEA trong việc điều phối chương trình, hoạt động chung của các quốc gia, trong đó có việc hợp tác thực hiện Kế hoạch An ninh hạt nhân 2010-2013 của cơ quan này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục