LHQ kêu gọi tăng cường bảo vệ môi trường biển

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã hối thúc các quốc gia tăng cường nỗ lực bảo vệ các đại dương của thế giới hiện đang bị đe dọa
Ngày 8/6, tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York, lễ kỷ niệm 30 năm ký kết Công ước Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) đã diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 22 các quốc gia thành viên Công ước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu tại lễ kỷ niệm, nhiều nước nhấn mạnh UNCLOS là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ 20 và nay đã trở thành điều ước phổ cập với 162 quốc gia thành viên. Công ước tạo ra một trật tự pháp lý quốc tế công bằng và toàn diện cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, giúp duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế trên thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã khẳng định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định của UNCLOS, tôn trọng quyền hợp pháp của các quốc gia ven biển đối với lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ, hợp tác phát triển nghiên cứu khoa học biển, khai thác tối ưu tài nguyên cũng như bảo vệ môi trường biển và quản lý Vùng Đáy đại dương quốc tế vì lợi ích của nhân loại.

Đoàn Việt Nam cho biết Hà Nội đã ký UNCLOS ngay từ năm 1982 và phê chuẩn công ước này vào năm 1994. Căn cứ vào các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục ban hành luật lệ quốc gia thiết lập các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời quy định việc tổ chức và quản lý các hoạt động sử dụng biển, thăm dò khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, cũng như tuân thủ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển. Việt Nam cũng cam kết tiếp tục tuân thủ các quy định của Công ước Luật biển của Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác cùng hành động nhằm duy trì hòa bình, an ninh và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông.

Cũng nhân lễ kỷ niệm 30 năm ký kết Công ước về Luật biển năm 1982, cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi các nước chưa tham gia, cần sớm phê chuẩn công ước này. Theo ông, công ước là một đóng góp quan trọng cho việc giữ gìn hòa bình, công lý và tiến bộ cho mọi người dân trên thế giới. Trải qua 3 thập kỷ, công ước này tiếp tục là định hướng quan trọng trong thiết lập tính pháp trị đối với đại dương và biển cả của thế giới.

Công ước về Luật biển lần đầu tiên được đưa ra ký kết năm 1982 và có hiệu lực năm 1994, hiện đã được 60 quốc gia phê chuẩn. Công ước quy định tất cả các vấn đề liên quan đến không gian đại dương, từ phân định ranh giới biển, các quy định về môi trường, nghiên cứu khoa học, thương mại và giải quyết các tranh chấp liên quan đến các vấn đề đại dương.

Cũng trong ngày 8/6 đã diễn ra lễ kỷ niệm “Ngày đại dương thế giới” (World Ocean Day). Phát biểu nhân lễ kỷ niệm Ngày đại dương thế giới, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã hối thúc các quốc gia tăng cường nỗ lực bảo vệ các đại dương của thế giới hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng khai thác hải sản quá mức, chất thải độc hại và biến đổi khí hậu. Ông Ban Ki Mun đồng thời nhấn mạnh thế giới cần tăng cường hành động để bảo vệ các đại dương đang bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khai thác cạn kiệt hải sản và sự suy giảm nghiêm trọng môi trường biển.

Trong thông điệp của mình, người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định bảo vệ đại dương và vùng duyên hải sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng tại hội nghị phát triển bền vững (Rio+20) dự kiến được tổ chức tại Brazil vào cuối tháng này. Theo ông, Rio+20 phải huy động được Liên hợp quốc, các chính phủ và các đối tác nhằm nâng cao quản lý và bảo vệ các đại dương thông qua các sáng kiến ngăn chặn việc khai thác hải sản quá mức, cải thiện bảo vệ môi trường biển và giảm ô nhiễm đại dương cũng như tác động của biến đổi khí hậu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục