Nghị lực phi thường của một ông chủ tật nguyền

Từ chỗ chỉ nằm liệt giường, Phạm Tiến Văn đã vượt lên hoàn cảnh để trở thành một ông chủ nhận thầu hàng ngàn công trình vừa và nhỏ.
Phạm Tiến Văn là tấm gương sáng, tiêu biểu ở tỉnh Quảng Bình đã vượt lên hoàn cảnh tật nguyền của bản thân để trở thành một ông chủ lớn.

Anh vinh dự được mời tham dự Hội nghị toàn quốc biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu lần thứ ba tại Hà Nội sắp tới.

Tuổi thơ nhọc nhằn


Phạm Tiến Văn, sinh năm 1957, tại xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Mới lên 10 tuổi, anh đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Từ đó, Văn đã phải tự làm lụng vất vả sớm hôm để nuôi mình và nuôi thêm em trai sáu tuổi bị bại liệt bẩm sinh.

Năm 18 tuổi, Phạm Tiến Văn được tuyển vào làm công nhân khai thác đá của đơn vị quản lý giao thông đường bộ của tỉnh. Hơn một năm sau trong một lần đang làm nhiệm vụ khai thác đá, không may bị đứt dây bảo hiểm, anh bị rơi từ độ cao hơn 15m xuống núi.

Chấn thương sọ não và cột sống làm anh phải nằm điều trị một chỗ tại bệnh viện của tỉnh. Sáu tháng sau, anh được bệnh viện trả về địa phương. Anh nằm liệt giường suốt ba năm.

Cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của hai anh em anh đều trông nhờ vào sự giúp đỡ, cưu mang của bà con xóm giềng. Cơ cực quá, nhiều lúc Văn định tìm đến cái chết. Nhưng rồi nghĩ thương em và có sự động viên của bà con làng xóm nên dần dần anh gượng dậy.

Nhờ kiên trì tập luyện, một năm sau anh đã tự bò dậy trên giường rồi bò lết trong nhà. Và một thời gian sau, anh tự chống gậy đi được trước sự chứng kiến mừng vui khôn xiết của mọi người.

Cảm phục trước nghị lực sống phi thường của anh, chị Nguyễn Thị Hai, người phụ nữ trong làng kém anh một tuổi đã đến và tình nguyện làm bạn đời với anh. Sau một năm kể từ ngày cưới, anh chị đã sinh cháu gái đầu lòng.

Vượt lên số phận

Thương vợ sớm hôm tần tảo vất vả kiếm ăn cho cả nhà, anh Văn tự nhận làm tất cả những việc vặt trong nhà. Dần dần, sức khỏe được hồi phục.

Anh nhận những công việc sửa chữa nhà cửa, đúc ống bi làm giếng khoan nước cho các gia đình trong làng để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Không cam chịu đói nghèo, Phạm Tiến Văn còn bàn với vợ mạnh dạn vay tiền ngân hàng, tiếp nhận lao động mở xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng. Sau khi trả xong tiền vay ngân hàng, khi đã có một ít tiền vốn, anh tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhận thầu các công trình vừa và nhỏ tại địa phương.

Với kinh nghiệm và kiến thức tự học tập trong sách vở và bạn bè, các công trình của anh đảm nhận đều được đánh giá chất lượng cao. Uy tín cơ sở sản xuất của anh dần dần được nâng lên.

Thông cảm với hoàn cảnh của anh, nhiều nhà đầu tư đã tin tưởng tìm đến cộng tác giao việc cho anh làm. Anh đã nhận được nhiều công trình từ làm kè, cống, đường giao thông, làm kênh mương thủy lợi, tường rào, sân trường, nhà văn hóa, lăng bia tưởng niệm...

Kinh tế gia đình phát triển, đến tháng 1/2007, cơ sở sản xuất của anh được nâng lên thành công ty trách nhiệm hữu hạn Tiến Văn.

Sau ba năm thành lập, công ty của anh đã nhận thầu hàng ngàn công trình vừa và nhỏ; xây nhà tình nghĩa và hàng chục công trình khắc phục thiên tai tại địa phương.

Hàng năm công ty đã thu hút giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 2.000.000 đồng đến 2.500.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, công ty còn hợp đồng thêm 70 lao động theo mùa vụ trong những tháng cao điểm. Nhiều hộ công nhân về làm với cơ sở sản xuất của anh đã thoát nghèo.

Ngoài sản xuất kinh doanh, gia đình anh Phạm Tiến Văn còn nhận hơn 10ha đất rừng lập trang trại để trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chỉ riêng từ kinh tế trang trại, mỗi năm gia đình anh thu thêm 30 triệu đồng.

Ngoài năm đứa con, anh chị còn nhận nuôi thêm hai cháu con mồ côi cả cha lẫn mẹ. Con cái của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi. Ba cháu đầu đã ra trường có việc làm, cháu trai út đang theo học Đại học kiến trúc Đà Nẵng.

Anh Phạm Tiến Văn còn là điển hình tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhất là phong trào từ thiện nhân đạo, xây dựng quỹ khuyến học. Năm qua, gia đình anh ủng hộ, nhận xây dựng một nhà đại đoàn kết tặng gia đình nghèo trong xã./.

Ngọc Châu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục