Tăng trưởng vững nhờ các nền kinh tế mới nổi

Kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng vững trong năm nay và năm tới, nhờ các cường quốc đang nổi, với mức tăng trưởng dự báo 4,1% năm nay.
Kết quả khảo sát quý đối với hơn 350 nhà kinh tế thế giới, do Reuters tiến hành, cho thấy kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng vững trong năm nay và năm tới, chủ yếu nhờ các cường quốc đang nổi, với mức tăng trưởng dự báo 4,1% trong năm nay và 4,3% vào năm tới.

Trong khi đó, viễn cảnh đối với hầu hết các nền kinh tế G7 lại ảm đạm hơn kể từ cuộc khảo sát trước hồi tháng Tư vừa qua, với mức tăng dưới 2% trong năm nay, trừ Đức, được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình hơn 3%. Chính sách tài chính khắc khổ ở châu Âu và mối lo ngại cuộc khủng hoảng nợ gia tăng ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã làm suy yếu lòng tin của các nhà phân tích.

Các nhà kinh tế dự báo kinh tế của khối gồm 17 quốc gia này có thể sẽ chỉ tăng 0,4% mỗi quý từ nay đến tháng 4/2012, chậm hơn so với mức tăng 0,8% trong quý I năm nay và họ giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng lần lượt 2% và 1,7% trong các năm 2011 và 2012.

Những nước đang nổi lớn như Trung Quốc đạt mức tăng trưởng gần hai chữ số kể từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng lại đối mặt với những nguy cơ của riêng họ, chật vật để kiềm chế lạm phát.

Các nhà kinh tế nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tài chính ở Eurozone và sự bế tắc chính trị ở Mỹ xung quanh việc nâng mức trần nợ công của nước này là những nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nhà kinh tế trưởng Willem Buiter thuộc Citi nói rằng nếu không kiểm soát được cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone, đây là mối đe dọa lớn, có thể sánh ngang với cuộc khủng hoảng nợ ở Mỹ.

Mặc dù hạ dự báo triển vọng kinh tế Mỹ so với kết quả khảo sát công bố hồi tháng trước, các nhà kinh tế vẫn cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tốt hơn trong năm nay so với các đối tác châu Âu như Anh, Italy và Pháp, với dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng trung bình 2,5% trong năm nay, trước khi tăng lên 3% vào năm 2012.

Theo nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics, giá dầu và giá xăng tăng đã tác động đến kinh tế Mỹ nhiều nhất trong sáu tháng đầu năm nhưng hiện nay giá những mặt hàng này đã giảm.

Các nhà kinh tế cho rằng trọng tâm trong vài tháng tới sẽ chuyển sang nguy cơ vỡ nợ ở cả Eurozone và Mỹ. Trong khi vấn đề của Eurozone là khả năng thanh toán, đặc biệt là ở Hy Lạp, vấn đề của Mỹ lại mang tính chính trị. Mặc dù vậy, 38 trong số 40 nhà kinh tế được hỏi ý kiến tin tưởng rằng các nghị sỹ Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận nâng mức trần nợ công của nước này.

Cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện từ ngày 8-13/7 vừa qua và hoàn tất trước khi lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Eric Cantor nói rằng Tổng thống Barack Obama đã rời phòng họp tối hôm 13/7, làm gia tăng quan ngại về các cuộc thương lượng. Các nghị sỹ đã bất đồng về các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách là điều kiện để nâng mức trần vay mượn 14.300 tỷ USD - cần thiết để Chính phủ Mỹ có thể tài trợ cho các cam kết vào tháng tới.

Trong khi đó, ở châu Âu, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou nói rằng Eurozone và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phải nhanh chóng thông qua gói giải cứu để tránh làm sụp đổ các kế hoạch cải cách kinh tế của Hy Lạp./.

Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục