Quân đội Libya kiểm soát được thành phố dầu mỏ

Quân đội chính phủ Libya đã giành lại kiểm soát Brega, một thành phố dầu mỏ quan trọng, buộc quân nổi dậy phải rút chạy về phía Đông.
Sau chiến dịch phản công chớp nhoáng trong tuần qua, quân đội chính phủ Libya đã giành lại kiểm soát một loạt thành phố ven biển Địa Trung Hải, buộc quân nổi dậy phải rút chạy về phía Đông.

Theo các nguồn thạo tin, ngày 13/3, lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya Muamar Gadhafi đã giành quyền kiểm soát Brega, một thành phố dầu mỏ quan trọng của Libya.

Các tay súng của phe nổi dậy đang rút về Ajdabiya, lá chắn cuối cùng bảo vệ "đại bản doanh" của quân nổi dậy ở thành phố Bengazi. Đây cũng là đầu mối của tuyến đường sa mạc chạy thẳng đến Tobruk, một thành phố cảng dầu mỏ quan trọng giúp phe đối lập kiểm soát khu vực từ miền Đông đến biên giới Libya-Ai Cập, được xem là tuyến đường huyết mạch để nhận nguồn viện trợ từ nước ngoài.

Nhiều nguồn tin cho biết phe đối lập đang chuẩn bị cho một cuộc quyết chiến tại Ajdabiya và các tay súng từ các vùng khác đang được tăng cường về thành phố này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, quân nổi dậy tập hợp các tay súng không có kinh nghiệm chiến trường, có rất ít vũ khí hạng nặng và hầu như bị tê liệt trước hỏa lực của quân chính phủ nên khó có khả năng giành được ưu thế.

Liên quan đến phản ứng quốc tế đối với tình hình Libya, Liên đoàn Arập (AL) ngày 12/3 đã ra tuyên bố đề nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc lập vùng cấm bay tại Libya và coi chính phủ của ông Gadhafi là bất hợp pháp. Chính quyền Libya đã lên tiếng phản đối động thái này của AL, coi đây là "hành động gây nguy hiểm cho an ninh của thế giới Arập."

Mỹ cho rằng việc AL kêu gọi áp đặt vùng cấm bay ở Libya là "một bước đi quan trọng," song Nhà Trắng không đề cập ủng hộ biện pháp này. Washington chỉ cam kết "sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm gây sức ép với ông Gadhafi, hỗ trợ phe đối lập và phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ."

Giới phân tích nhận định khả năng hiện thực hóa phương án lập vùng cấm bay ở Libya là rất xa vời. NATO đã đưa ra các điều kiện để áp đặt vùng cấm bay, trong đó có điều kiện phải có bằng chứng cho thấy phương án này là cần thiết và Hội đồng Bảo an ra nghị quyết thực hiện biện pháp này. Tuy nhiên, đây sẽ là trở ngại lớn vì một nghị quyết như vậy hoàn toàn có thể sẽ vấp phải sự phủ quyết của Nga và Trung Quốc, hai nước thành viên thường trực trong hội đồng.

Pháp - quốc gia phương Tây duy nhất công nhận Hội đồng dân tộc tự xưng của lực lượng nổi dậy ở Libya, sẽ chủ trì hội nghị ngoại trưởng Nhóm G8 và cho biết hội nghị sẽ thảo luận về tình hình Libya. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dự kiến gặp thủ lĩnh Hội đồng dân tộc tự xưng nhân dịp dự hội nghị này.

Trong khi đó, truyền hình Libya đưa tin nhà lãnh đạo Gadhafi ngày 13/3 đã gặp gỡ đại sứ các nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, đề nghị các nước này đầu tư vào ngành dầu mỏ Libya vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do một loạt yếu tố như lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, hàng nghìn nhân công nước ngoài phải về nước và hoạt động khai thác dầu mỏ bị gián đoạn. Các chuyên gia dự đoán phải mất ít nhất một năm Libya mới khôi phục được ngành này hoạt động trở lại mức như trước khi xảy ra khủng hoảng với sản lượng 1,6 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục