Eurozone: "Ireland chưa hề xin bảo lãnh vỡ nợ"

Chủ tịch Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) Jean-Claude Juncker ngày 12/11 đã khẳng định Ireland chưa xin bảo lãnh vỡ nợ.
Chủ tịch Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) Jean-Claude Juncker ngày 12/11 đã khẳng định Ireland chưa xin bảo lãnh vỡ nợ, giữa lúc có tin đồn rằng nước này có thể trở thành nước thứ hai trong khu vực xin viện trợ khẩn cấp từ Liên minh châu Âu (EU), và lãi suất trái phiếu chính phủ của Ireland tăng vọt khiến dư luận lo ngại nước này sẽ lún sâu vào nợ nần.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Luxembourg, ông Juncker nói rõ nếu xin bảo lãnh vỡ nợ, Ireland sẽ nhận được sự giúp đỡ từ Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), được thành lập từ tháng 5 vừa qua để bảo vệ các nước thành viên Eurozone đang nợ chồng chất. Tuy nhiên, Chính phủ Ireland cho đến nay "chưa đưa ra đề nghị như vậy."

Ông Juncker thừa nhận các cuộc đàm phán sơ bộ về bảo lãnh vỡ nợ cho Ireland phải được giữ kín theo quy định của EU, nhưng khẳng định "tình hình không có gì nghiêm trọng".

Chính phủ Ireland và Ủy ban châu Âu (EC) cũng bác bỏ những đồn đoán về việc nước này xin bảo lãnh vỡ nợ.

Thủ tướng Ireland Brian Cowen và Bộ trưởng Tài chính nước này Brian Lelihan đều tuyên bố Ireland có đủ nguồn lực tài chính cho đến giữa năm 2011 nên không cần đưa ra bất kỳ đề nghị bảo lãnh nào.

Người phát ngôn EC Olivier Bailly khẳng định không nhận được đề nghị bảo lãnh vỡ nợ từ Ireland, nhưng từ chối bình luận về các cuộc đàm phán sơ bộ về vấn đề này.

Theo các nguồn tin chính thức từ Eurozone, Ireland đang đàm phán với các nước thành viên khu vực này về khả năng xin bảo lãnh vỡ nợ và Chính phủ Ireland "rất có thể" sẽ được EFSF trợ giúp để tránh phải cơ cấu lại nợ hoặc bất kỳ biện pháp tương tự nào. Các nguồn tin này không tiết lộ mức độ bảo lãnh, nhưng các nhà phân tích được hãng tin Reuters phỏng vấn ước tính số tiền bảo lãnh có thể lên tới khoảng 48 tỷ euro (66 tỷ USD), gần bằng một nửa số tiền bảo lãnh dành cho Hy Lạp.

Tin đồn về Ireland vỡ nợ càng rộ lên sau khi Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh ra tuyên bố chung khẳng định việc EU áp dụng cơ chế mới giúp các nước thành viên cơ cấu lại nợ sẽ không tác động đến những người giữ trái phiếu chính phủ bằng đồng euro.

Lãi suất trái phiếu chính phủ của Ireland đã giảm nhẹ ngay sau khi Reuters tiết lộ thông tin về khả năng Ireland được bảo lãnh vỡ nợ, và EU cam kết giữ ổn định cho thị trường trái phiếu châu Âu. Ngày 10/11 vừa qua, Chính phủ của Ireland phát hành trái phiếu thời hạn 10 năm với mức lãi suất tới 8,64% để huy động 1,25 tỷ euro (1,74 tỷ USD). Mức lãi suất này cao hơn các đợt phát hành cách đây 2 tháng và lần đầu tiên tăng hơn 8% kể từ khi thành lập Eurozone năm 1999.

Quyết định tăng lãi suất trái phiếu chính phủ của Ireland khiến dư luận lo ngại quốc gia vốn đã chìm trong nợ nần này khó có thể thúc đẩy kinh tế phát triển đủ nhanh để có tiền trả nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục