Hội nhà văn lo ngại văn chương tụt hậu với đời sống

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nghiệp dư hóa văn chương ở Việt Nam và sự tụt hậu của đời sống văn học 
Hiện nay, văn học Việt Nam đang tồn tại thực trạng đáng lo ngại là "độc giả cao hơn nhà xuất bản, người đọc giỏi hơn nhà văn." Đây là nhận xét của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh tại Đại hội cơ sở khối nhà văn Hà Nội vào sáng ngày 29/6/2010.

Ông Hữu Thỉnh còn nhấn mạnh mối lo trước tình trạng nghiệp dư hóa văn chương ở Việt Nam hiện nay: “Chúng ta không lo tụt hậu so với nước ngoài mà mối lo nhất là đời sống văn học của ta tụt hậu với chính ta.”

Do vậy, các nhà văn tham gia đại hội đều nhất trí  trong báo cáo về phương hướng của nhiệm kỳ tới  của  đại hội  cần tập trung mọi sáng tạo để có tác phẩm hay và chuyên nghiệp hóa các cơ quan của hội.

Đóng góp vào bản báo cáo của đại hội, nhà thơ Chử Văn Long đã nêu ý kiến, với hơn 930 hội viên hiện nay cần tăng thêm số lượng người trong Ban chấp hành của Hội Nhà văn lên ít nhất là hai mươi người. Ông lý giải, mở rộng đội ngũ trong ban chấp hành nhằm tránh tình trạng không đủ nhân lực để giải quyết những vấn đề của hội viên như vẫn tồn tại hiện nay.

Còn nhà văn Đặng Hiển chỉ ra, đến nay văn thơ vẫn còn vắng bóng trong các lễ hội. Ông cho rằng, cần tăng cường vị thế của nhà văn trong đời sống, văn hóa, giáo dục. Bên cạnh đó, ông đóng góp ý kiến với tư cách của một người soạn sách là cần có đại diện của Hội Nhà văn Việt Nam trong Ban soạn thảo sách giáo khoa

Các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề mở rộng công tác hội, tích cực tổ chức đưa các nhà văn đi thực tế  mời các chuyên gia đầu ngành về mọi lĩnh vực đến giao lưu, cung cấp thông tin cho các nhà văn, cải tiến về cách hỗ trợ và đầu tư chiều sâu cho sáng tác, nâng cao chất lượng và số lượng tổ chức trại sáng tác, có chiến lược tăng cường đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê bình tại các cơ quan báo chí của hội, khắc phục tình trạng mờ nhạt, dễ dãi về điểm sách hiện nay./.

Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục