Việt Nam kêu gọi thực hiện cam kết nâng ODA

Việt Nam kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết nâng mức đóng góp cho viện trợ phát triển chính thức (ODA) lên mức 0,7% GNI.
Việt Nam kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết nâng mức đóng góp cho viện trợ phát triển chính thức (ODA) lên tương đương 0,7% Tổng thu nhập quốc dân (GNI), giúp các nước đang phát triển cải thiện môi trường kinh tế, tăng cường năng lực, phát triển khoa học, công nghệ, cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất.

Phát biểu tại cuộc đối thoại lần thứ tư về "Tài chính cho Phát triển" dưới chủ đề "Đồng thuận Monterrey và Tuyên bố Doha về tài chính cho phát triển: Tình hình thực hiện và nhiệm vụ tới đây" diễn ra ngày 23 và 24/3 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Mỹ, Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng việc huy động hơn nữa các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy công cuộc phát triển ở các nước đang phát triển cần được coi là ưu tiên cao nhất trong nghị trình phát triển của cộng đồng quốc tế.

Trong đó ODA và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là những nguồn lực then chốt giúp đạt tiến bộ trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và duy trì tăng trưởng tới năm 2015 và các năm sau đó.

Đại sứ đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết đối với các nước đang phát triển triển khai các chiến lược, ưu tiên quốc gia và kế hoạch hành động cụ thể thích hợp nhằm khai thác tối đa lợi ích và hạn chế tối thiểu rủi ro của đầu tư nước ngoài; xây dựng và thực hiện các cơ chế hữu hiệu trong giải ngân, giám sát và đánh giá tài chính thông qua việc nâng cao tính làm chủ của quốc gia; tăng cường vận hành và phối hợp với các nhà tài trợ và khu vực tư nhân.

Đại sứ cũng bày tỏ ủng hộ vai trò quan trọng của Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn trong việc thúc đẩy cải tiến cấu trúc quản trị kinh tế, tài chính và tiền tệ toàn cầu, đề cao tính trách nhiệm, công bằng và minh bạch.

Xác định thương mại là một động lực cho phát triển, đồng thời lưu ý yêu cầu cấp bách loại bỏ mọi hình thức bảo hộ mậu dịch gây bất lợi cho các nước đang phát triển, xây dựng một hệ thống thương mại đa phương công bằng và bình đẳng hơn, Đại sứ kêu gọi sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha về phát triển.

Đại sứ Bùi Thế Giang cho biết năm 2009 nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, dịch bệnh, lại bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, khiến lượng FDI vào Việt Nam chỉ đạt 21,5 tỷ USD, giảm 70% so với năm 2008; xuất khẩu hàng hóa đạt 56,6 tỷ USD, giảm 9,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 68,8 tỷ USD, giảm 14,7%; trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2,38% năm 2008 lên 2,9%.

Trong bối cảnh đó, việc đạt mức tăng trưởng kinh tế 5,32%, thu hoạch sản lượng gạo kỷ lục 38,9 triệu tấn, duy trì Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) 6,88% là mức thấp nhất trong sáu năm qua, và giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,4% năm 2008 xuống 12,3%... là những thành công đáng ghi nhận của Việt Nam.

Phân tích nguyên nhân của những thành công này, bên cạnh những nỗ lực đồng bộ và có hiệu quả của Nhà nước và cả xã hội, Đại sứ Bùi Thế Giang đánh giá cao sự hỗ trợ cả về tri thức, kinh nghiệm và tài chính của cộng đồng quốc tế, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia thành viên để đảm bảo cuộc đối thoại thu được kết quả thiết thực, chuẩn bị tốt cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ sẽ tổ chức vào tháng Chín năm nay.

Tại cuộc đối thoại, với ba phiên toàn thể và ba phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu đã tập trung đánh giá những tiến bộ và tồn tại trong việc cung cấp tài chính phục vụ công cuộc phát triển tại các nước đang phát triển.

Các đại biểu cũng trao đổi về tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu hiện nay đối với dòng lưu chuyển FDI và các nguồn vốn tư nhân, vấn đề nợ nước ngoài, thương mại quốc tế.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục