ASEAN+3 đưa hợp tác khu vực lên một tầm cao mới

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 lần thứ 13 kết thúc ngày 2/5, đưa hợp tác tài chính khu vực lên một tầm cao chiến lược mới.
Ngày 2/5, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 lần thứ 13 họp tại thủ đô Tashkent, Uzbekistan đã kết thúc với sự đồng thuận của các bộ trưởng về nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt sự cần thiết đưa hợp tác tài chính khu vực lên một tầm cao chiến lược mới.

Hội nghị lần này, dưới sự đồng chủ tọa của Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tạ Húc Nhân, có sự tham dự của bộ trưởng Tài chính của 10 nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Phó Tổng Thư ký ASEAN.

Hội nghị đã tập trung kiểm điểm việc triển khai các sáng kiến hợp tác tài chính khu vực, bao gồm Đa phương hóa Sáng kiến Chieng Mai (CMIM), Sáng kiến Phát triển Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI) và hoạt động của Nhóm Nghiên cứu ASEAN+3.

Hội nghị tuyên bố Thỏa thuận CMIM với quy mô góp vốn 120 tỷ USD đã có hiệu lực từ ngày 24/3/2010, đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3 với mục tiêu giải quyết các khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán và thanh khoản ngắn hạn cho các nước thành viên trong khu vực. CMIM sẽ góp phần tăng cường hơn nữa năng lực tự vệ của khu vực trước những rủi ro và thách thức của kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh việc vận hành CMIM, các bộ trưởng đã nhất trí thành lập Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nhằm tăng cường cơ chế giám sát kinh tế vĩ mô khu vực hỗ trợ cho sự vận hành của CMIM.

Trong khuôn khổ sáng kiến trên, các bộ trưởng đã tuyên bố thành lập Cơ chế bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF) với quy mô vốn ban đầu 700 triệu USD. Trong đó, Nhật Bản và Trung Quốc đóng góp 200 triệu USD, Hàn Quốc đóng góp 100 triệu USD, ADB đóng góp 130 triệu USD. Năm nước thành viên cũ của ASEAN là Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Phillippines và Singapore đóng góp mỗi nước 12,6 triệu USD, Brunei cam kết 5,6 triệu USD, Việt Nam đóng 1,1 triệu USD. Lào, Campuchia và Mianma mỗi nước đóng góp essSingaporee

Cơ chế CGIF hoạt động dưới hình thức là một quỹ tín thác của ADB, với mục tiêu cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp trong khu vực phát hành trái phiếu. Quỹ sẽ chính thức vận hành vào đầu năm 2011.

Các bộ trưởng cũng đã nhất trí thành lập Diễn đàn Phát triển Thị trường trái phiếu ASEAN+3 (ABMF) để tạo thuận lợi cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý thị trường và các nhà đầu tư chia sẻ quan điểm về các giao dịch trái phiếu qua biên giới nhằm thúc đẩy chuẩn mực hóa các thị trường và hài hòa hóa khuôn khổ pháp lý của các thị trường trái phiếu trong khu vực.

Trao đổi quan điểm về triển vọng phát triển tài chính và kinh tế khu vực sau khủng hoảng, các bộ trưởng nhận định kinh tế thế giới đã bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng, trong đó khu vực Đông Á tiếp tục duy trì đà phục hồi nhanh và ấn tượng theo “mô hình chữ V”.

Tăng trưởng GDP của ASEAN+3 dự kiến sẽ lên tới 4,6% trong năm 2010 so với mức 0,9% của năm 2009. Đông Á đã trở thành động lực của kinh tế toàn cầu trong quá trình phục hồi kinh tế và đóng góp tới 1/3 mức tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2009.

Để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu trong khu vực, các bộ trưởng đã thông qua ba chủ đề cho hoạt động Nhóm Nghiên cứu giai đoạn 2010-011, đó là: Khả năng sử dụng đơn vị tiền tệ của khu vực - xác định các vấn đề gặp phải khi sử dụng thực tế; Những bài học từ kinh nghiệm của châu Á đối với các dòng luân chuyển vốn đổi hướng và Tác động tài khoá và tài chính của biến đổi khí hậu và những thách thức về mặt chính sách ở Đông Á.

Đối mặt với nhiều thách thức mới, các bộ trưởng nhấn mạnh cam kết đưa hợp tác tài chính khu vực lên một tầm cao chiến lược mới; nhất trí thành lập “Nhóm Đặc trách ưu tiên hợp tác tài chính ASEAN +3” để xây dựng các chiến lược hợp tác tài chính của nhóm này trong tương lai.

Bên lề Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 cũng đã có cuộc gặp với đại diện các nước Australia, New Zealand và Ấn Độ. Đây là cuộc gặp không chính thức đầu tiên giữa các Bộ trưởng Tài chính khu vực Đông Á.

Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng đều bày tỏ sự đánh giá cao đối với vai trò chủ trì điều hành của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh và đều mong chờ gặp lại tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 năm sau tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục