Các ngân hàng nước ngoài vẫn lãi lớn

Các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan, với con số lợi nhuận trước thuế của toàn khối đạt trên 1.400 tỷ đồng.

Mặc dù thị trường tài chính-tiền tệ thế giới và trong nước trong năm 2008 có nhiều biến động lớn, nhưng các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan, với con số lợi nhuận trước thuế của toàn khối đạt trên 1.400 tỷ đồng.

Lợi thế kinh doanh

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại buổi gặp mặt cuối năm giữa Thống đốc với các tổ chức tín dụng nước ngoài ngày 10/12 vừa qua cho thấy, hiện đã có 33 ngân hàng nuớc ngoài được cấp phép mở chi nhánh; 5 ngân hàng liên doanh với 19 chi nhánh trực thuộc; 3 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 9 tổ chức tín dụng phi ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài và 54 văn phòng đại diện tại Việt Nam. Năm 2008, mặc dù có một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài và công ty tài chính bị lỗ nhưng lợi nhuận trước thuế của cả khối vẫn đạt 1.418 tỷ đồng.

Từ giữa năm 2008, khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Mỹ lan rộng sang các khu vực và những diễn biến không thuận lợi của kinh tế thế giới đã tác động đến kinh tế Việt Nam và ảnh hưởng nhất định đến hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Tuy nhiên, với những giải pháp tích cực và quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, hiện tại hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam nói chung và các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam nói riêng vẫn hoạt động an toàn với mức tăng trưởng khá và tương đối ổn định, kết quả kinh doanh có lãi.

Tổng huy động vốn 10 tháng đầu năm 2008 của khối tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22.957 tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2007. Tổng dư nợ tín dụng đạt 152.952 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng nước ngoài luôn đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ khả năng chi trả.

Trong năm 2008, tỷ lệ nợ xấu nói chung của cả khối ngân hàng ngoại có tăng so với 31/12/2007, tuy nhiên mức tăng không đáng kể.

Với lợi thế về năng lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài luôn tiên phong trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ hiện đại, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới tại thị trường Việt Nam như hoạt động ngân hàng điện tử, hoạt động bao thanh toán...

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, các tổ chức tín dụng này đã và đang làm tốt vai trò cầu nối cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam, cũng như có những hỗ trợ đáng kể đối với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ... cũng như giới thiệu các kỹ năng ngân hàng hiện đại và cải thiện mối quan hệ ngân hàng đại lý với các ngân hàng thương mại của Việt Nam.

Lấn dần sân "nội"

Bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan, năm 2008 cũng là năm đánh dấu sự "gia nhập" một cách khá bài bản của khối các ngân hàng nước ngoài, khi lần lượt 3 "đại gia" là HSBC, Standard Chartered và ANZ đã được cấp phép lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng, chính sự hiện diện ngày càng nhiều của các tổ chức tín dụng nước ngoài đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đồng thời dự báo sức nóng cạnh tranh sẽ ngày càng tăng lên ở thị trường tài chính - ngân hàng trong nước.

 
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cấp phép hoạt động cho 04 chi nhánh ngân hàng nước ngoài- là chi nhánh Ngân hàng Commonwealth (Australia), NH Taipei Furbon (Đài Loan), Industrial Bank of Korea (Hàn Quốc), Sumitomo (Nhật Bản); và 3 công ty tài chính: PPF (Cộng hoà Séc), GE Money (Mỹ) và Toyota (Nhật Bản); cấp phép mở 6 văn phòng đại diện và đóng cửa thu hồi giấy phép 2 văn phòng khác. Ngoài ra, với tiến trình sáp nhập, hợp nhất của một số ngân hàng mẹ trên thị trường quốc tế, ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) đã có mặt lần đầu tiên tại Việt Nam với vai trò là ngân hàng mẹ của Ngân hàng ABN AMRO chi nhánh Hà Nội.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, các tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia ngày càng nhiều vào thị trường Việt Nam chính là những "cầu nối", hay cánh tay nối dài cho các nhà đầu tư nước ngoài đến với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng nước ngoài trong năm qua cũng đã đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình ban hành các chính sách về tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng như đóng góp các ý kiến tích cực với Chính phủ Việt Nam trong quá trình điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

Trong năm 2008, cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã tiếp tục được triển khai tích cực. Cơ chế này đã tạo một diễn đàn đối thoại định kỳ để Nhóm Công tác Ngân hàng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thay mặt cộng đồng ngân hàng nước ngoài tại Việt nam trao đổi một cách thẳng thắn và cởi mở với lãnh đạo và các đơn vị hữu quan của Ngân hàng Nhà nước. Việc đối thoại thường xuyên chính là tiền đề tiến tới hoàn thiện môi trường thể chế cho hoạt động ngân hàng nói chung và các ngân hàng nước ngoài nói riêng.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, với tư cách là thành viên WTO, Chính phủ Việt Nam đã và đang hoạch định các chính sách nhất quán nhằm tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các loại hình tổ chức tín dụng trên thị trường tài chính của Việt Nam, tạo một môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi hơn với mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như các định chế tài chính nước ngoài nói riêng sẽ tham gia nhiều hơn vào thị trường Việt Nam thông qua các sản phẩm mới, các dịch vụ hiện đại và những thông lệ hoạt động ngân hàng tốt nhất.

Trong thời gian sắp tới, ngày càng nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài có nhu cầu hiện diện thương mại tại Việt Nam, sự cạnh tranh trên lĩnh vực ngân hàng sẽ gia tăng, đòi hỏi từng tổ chức tín dụng phải tiếp tục nỗ lực đổi mới công nghệ, tích cực đưa ra các sản phẩm dịch vụ mới, cải tiến qui trình nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành những chính sách tiến dần theo các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển ổn định và bền vững, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam./.

Anh Quân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục