"Kỷ nguyên vàng" và cái nhìn “nhạy cảm”

Triển lãm "Kỷ nguyên vàng" của Nguyễn Sơn diễn ra tại Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (218A Pasteur, quận 3) bắt đầu ngày 16/5 và kéo dài đến 21/5. Trong quá trình trưng bày, "Kỷ nguyên vàng" đã tạo ra những luồng dư luận trái chiều nhau, mà nổi lên là cái nhìn phê phán rằng triển lãm này quá nhạy cảm.

Triển lãm "Kỷ nguyên vàng" của Nguyễn Sơn diễn ra tại Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (218A Pasteur, quận 3) bắt đầu ngày 16/5 và kéo dài đến 21/5. Trong quá trình trưng bày, "Kỷ nguyên vàng" đã tạo ra những luồng dư luận trái chiều nhau, mà nổi lên là cái nhìn phê phán rằng triển lãm này quá nhạy cảm.
 
Thế nào là "Kỷ nguyên vàng"?

Tác phẩm chủ đề của triển lãm có tên "Kỷ nguyên vàng" vẽ 6 đứa trẻ cầm súng xanh xông vào trong lửa xanh, sau lưng chúng là một ông chủ lớn, dáng điệu đẫy đà, vô cảm. Bầu trời là 4 con chim bồ câu có đầu hình vuông, không mắt không mũi, bay vô định. Hậu cảnh là khoảng 20 chiếc quan tài đỏ bay về phía ánh sáng ló dạng; còn tam cấp để bước lên là 6 quan tài đỏ, một bông hồng trắng, một khúc xương trắng...

Tác phẩm pha trộn chất siêu thực với bút pháp của truyện tranh (hài hước, hoạt họa) của phương Tây và màu sắc pop art của Trung Quốc đương đại. “Kỷ nguyên vàng - thời hoàng kim - thời kim tiền, bức tranh chủ của triển lãm kềnh càng và sặc sỡ. Trẻ con là các nhân vật chính, làm chủ tất cả, hoàn toàn – như một ám thị hài hước hay một sự thơ ngây quá trớn, vừa đáng yêu vừa đáng sợ” – nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận định.

“Kỷ nguyên vàng” theo quan niệm của Nguyễn Sơn là một câu hỏi, một cái bẫy và là sự giễu nhại. Anh nói: “Thời đại này đang phô bày những thành quả lớn nhất mà con người đạt đến trong mọi lĩnh vực như văn hóa, tôn giáo, kinh tế, khoa học… Nhưng tôi luôn có một cảm giác sợ hãi và bất an khi mỗi sáng thức dậy ra đường phố nhìn thấy rất nhiều khuôn mặt dù xa lạ nhưng đã trở thành quen thuộc.

Cái nhìn đầu tiên của một ngày mới cứ bị bào mòn bởi những suy nghĩ vững chãi được xây dựng từ kiến thức và kinh nghiệm sống cũ của chính tôi và tôi biết mọi người chung quanh cũng vậy. Chúng ta có thể biết rõ đời tư, quá khứ của một người nào đó ở một nơi nào đó trên trái đất này nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, internet… nhưng liệu chúng ta có thể thực sự kết nối được với họ hay chúng ta chỉ đang là người sử dụng thông tin và bị chính thông tin chi phối?”.

Họa sĩ Huỳnh Văn Mười (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét: “Các tác phẩm của Nguyễn Sơn có cách thể hiện đồng hiện nhiều bút pháp và có khá nhiều ẩn dụ, buộc người xem phải suy nghĩ nhiều chiều. Cách thể hiện này buộc những người xem cấp tiến phải đặt ra khá nhiều câu hỏi về đời sống, về xã hội và về chính mình. Còn với những người xem bảo thủ, tôi cho rằng triển lãm có thể làm họ phải khó chịu”.

Những cái “đầu hộp” đóng gói sẵn để giao hàng!

Triển lãm trưng bày 27 tác phẩm, gồm 10 tranh sơn dầu, 13 tranh kỹ thuật số, 3 sắp đặt, và một video art có tên Một ngày bình thường. Người xem dễ dàng nhận thấy những cái đầu hộp hình vuông trong rất nhiều chi tiết tác phẩm, mà nói như Nguyễn Quân là “đóng gói sẵn để giao hàng”. Ông chủ mới là tác phẩm nhiều ám chỉ, cũng với chiếc đầu hộp toang hoác, nhưng đầy hiểm nguy. Nguyễn Sơn cho rằng những hình vuông giống nhau là nói về sự rỗng tuếch ở bên trong, là sự giống nhau đến đáng sợ ở diện mạo bên ngoài của xã hội hiện nay. Còn người xem thì có cảm giác hoang mang, e ngại… vì cái nhìn châm biếm và có vẻ bi quan về đời sống.

Từ Hà Nội vào dự khai mạc triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương) trả lời câu hỏi của phóng viên về sự “nhạy cảm” này như sau: “Không riêng gì Nguyễn Sơn, mà trong tác phẩm của nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay đều có sự nhạy cảm, mà theo tôi, đây là điều tốt. Bởi nếu họ không còn băn khoăn để làm sao nghệ thuật có thể gắn kết nhiều hơn với cộng đồng, với các vấn đề xã hội… thì xem như chất trẻ đã không còn. Thế hệ như chúng tôi đã qua rồi, thế hệ trẻ phải tiếp tục dấn thân mạnh mẽ, phải có cái nhìn mới mẻ và độc lập, để làm sao thay đổi được nhận thức về nghệ thuật".

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho biết thêm: "Từ năm 2000 đến nay, Nguyễn Sơn đã có nhiều hoạt động và mạch đi riêng để cảm nhận xã hội đương đại, có thể là nhạy cảm, nhưng nó giúp cho nghệ thuật gần hơn với cộng đồng... Cũng cần nói thêm, bên cạnh các hoạt động chính quy của Hội Mỹ thuật, thì cũng cần khích lệ, động viên các hoạt động độc lập của các nghệ sĩ, để họ có thể tự tin làm được nhiều việc hơn nữa”.

Dù cho cái cảm giác về một thế giới của những “đầu hộp” thờ ơ, vô cảm, thực dụng… vẫn đeo bám theo người xem trong suốt quá trình thưởng lãm. Nhưng vượt lên trên tất cả, “Nguyễn Sơn mời ta vào một không gian tương tác hơn là tới “xem tranh” theo thói trưởng giả cổ điển. Thích thú hay khó chịu, thì hoang mang tự vấn vẫn là cảm giác có thật. Và đó là hiệu ứng thức tỉnh hay thanh lọc cần có của nghệ thuật”,  Nguyễn Quân nhận xét./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục