"Việt Nam có nhiều nỗ lực trong xóa đói giảm nghèo"

Ngày 2/6, tại Hà Nội, phát biểu khai mạc Hội thảo công bố Báo cáo "Phân tích Xã hội Quốc gia: Dân tộc và Phát triển ở Việt Nam", bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đã hoan nghênh những cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm can thiệp nhiều hơn về mặt chính sách để giúp đỡ các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Ngày 2/6, tại Hà Nội, phát biểu khai mạc Hội thảo công bố Báo cáo "Phân tích Xã hội Quốc gia: Dân tộc và Phát triển ở Việt Nam", bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đã hoan nghênh những cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm can thiệp nhiều hơn về mặt chính sách để giúp đỡ các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Bà Victoria Kwakwa ghi nhận Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác xóa đói giảm nghèo; Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi vùng sâu, vùng xa; chú trọng giải quyết các thách thức nghèo đói của các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Kết quả là tỷ lệ người nghèo đã giảm từ khoảng 60% năm 1993 xuống còn dưới 20% vào năm 2006. Tuy nhiên, tỷ lệ người nghèo trong các cộng đồng dân tộc thiểu số còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ nghèo chung của cả nước. Bà Victoria Kwakwa cho rằng việc hiểu rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói của các cộng đồng dân tộc thiểu số sẽ giúp chúng ta có những can thiệp có lợi nhất cho những cộng đồng này. Đồng thời, việc đẩy mạnh sự tham gia của chính những cộng đồng dân tộc thiểu số vào công cuộc chống đói nghèo sẽ mang lại nhiều kết quả hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đánh giá cao sáng kiến của WB trong việc thực hiện nghiên cứu về dân tộc và phát triển ở Việt Nam; đồng thời kỳ vọng đây là một tài liệu khoa học cho Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ tham khảo để phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo.

Bộ trưởng khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện chính sách dân tộc, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài. Tuy còn nghèo, nhưng Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn và đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho công tác xóa đói giảm nghèo. Nhờ vậy, đời sống đồng bào các dân tộc đã có bước cải thiện quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tuy nhiên, sự phát triển giữa các dân tộc chưa đồng đều, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn còn lớn.

Bộ trưởng hoan nghênh và mong muốn WB cùng các nhà tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phân công lại lao động xã hội, giúp đồng bào các dân tộc nâng cao nhận thức, thay đổi các phong tục tập quán lạc hậu, làm sao để thanh niên được học hành, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất, đời sống, giúp đồng bào làm giàu ngay trên quê hương mình, có như vậy mới xóa đói giảm nghèo bền vững.

Báo cáo "Phân tích Xã hội Quốc gia: Dân tộc và Phát triển ở Việt Nam" trình bày các phát hiện từ một nghiên cứu do Vụ Phát triển Bền vững Khu Vực Đông Á của WB, với sự hỗ trợ của Viện Dân tộc (IEMA) thực hiện, nhằm tìm hiểu rõ hơn tại sao tỷ lệ nghèo trong nhóm dân tộc thiểu số vẫn cao hơn so với tỷ lệ nghèo chung của cả nước.

Báo cáo đưa ra 6 bất lợi cụ thể lý giải vì sao các dân tộc thiểu số vẫn nghèo hơn, như tình trạng thiếu đất đai ngày càng gia tăng; những rào cản liên quan đến năng lực và tính tự lực của người dân do họ được tiếp cận ít hơn tới giáo dục có chất lượng cao, ít di chuyển và thiếu thông tin, kinh nghiệm về một thế giới rộng lớn hơn; những rào cản do sự khác biệt về văn hóa.

Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện thông tin về người dân tộc thiểu số; cần có các chính sách đặc biệt, các chương trình hành động ưu tiên nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các dân tộc, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, cần đối thoại cởi mở về những phương pháp tiếp cận mới về dân tộc và phát triển ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục