TPHCM: Tỷ lệ người khuyết tật có việc làm thấp

Thống kê từ năm 2004 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 55.000 người khuyết tật (trong đó 16.747 người là thương binh đang hưởng chế độ trợ cấp thương tật), chiếm 0,8 % dân số thành phố. Tuy nhiên tỉ lệ số người khuyết tật có việc làm còn ở mức thấp.

Thống kê từ năm 2004 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 55.000 người khuyết tật (trong đó 16.747 người là thương binh đang hưởng chế độ trợ cấp thương tật), chiếm 0,8 % dân số thành phố. Tuy nhiên tỉ lệ số người khuyết tật có việc làm còn ở mức thấp.
 
Hiện Công ty 27/7 thuộc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội thành phố có khoảng 500 lao động là người tàn tật làm việc với mức thu nhập bình quân 700.000đ/người/tháng. Có 9 đơn vị sản xuất kinh doanh dành riêng cho người tàn tật, tập trung vào các ngành nghề như may, in lụa, sản xuất loa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giải quyết việc làm cho khoảng 150 lao động với mức thu nhập bình quân từ 630.000-2.000.000 đồng.
 
Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước có 200 lao động là người tàn tật.

Tại cuộc họp
đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho lao động là người khuyết tật; việc thực hiện pháp lệnh về người tàn tật do Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì ngày 20/2,  nhiều ý kiến thống nhất việc cần nâng cao hơn nữa vấn đề xã hội hóa công tác chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật mà nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là dạy nghề và tạo việc làm cho họ.
 
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật thông qua việc quy hoạch mạng lưới các Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm công lập cho người tàn tật tại các quận huyện, vận động và hỗ trợ các cơ sở dạy nghề ngoài nhà nước thực hiện miễn giảm học phí và tham gia thường xuyên hơn những ngày hội việc làm dành cho người tàn tật; thực hiện các chính sách ưu đãi như miễn thuế, thuê mướn mặt bằng với giá rẻ đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dành cho người tàn tật.
 
Hiện nay, khó khăn lớn là Quỹ việc làm dành cho người tàn tật, Hiệp hội sản xuất kinh doanh của người tàn tật chưa được thành lập nên chưa tạo cầu nối gắn bó giữa các cơ quan, tổ chức trong, ngoài khu vực nhà nước với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của người tàn tật; từ đó người tàn tật gặp khó khăn trong việc tiếp cận vay vốn ưu đãi, tìm mặt bằng sản xuất, và hướng tiêu thụ sản phẩm.
 
Ngoài ra, trình độ tay nghề của người khuyết tật chưa cao, chủ yếu tham gia lao động thủ công; khó khăn trong khi di chuyển và tâm lý xã hội; chủ sử dụng lao động còn e ngại khi sử dụng lao động là người khuyết tật vì phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thể lực và tâm lý trong quá trình sản xuất.

Trong quá trình triển khai Quỹ quốc gia về việc làm (Quỹ 71), Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và Việc làm thành phố, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội thành phố đã hỗ trợ 1,877 tỷ đồng cho 108 lao động là người tàn tật vay vốn theo dự án hộ và nhóm gia đình để sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi và trồng trọt./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục